Đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển đổi lực lượng lao động với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Đã đến lúc những người thực thi văn hóa trong tổ chức cần phải thay đổi tư duy, bắt kịp những xu hướng mới để xây dựng một môi trường làm việc lý tưởng.
Tái kết nối
Khi doanh nghiệp dần thích nghi hơn thì đây cũng là cơ hội mới để tái kết nối nhân sự. Sau gần 2 năm gián đoạn, đã đến lúc doanh nghiệp cần chú tâm củng cố mối quan hệ, thắt chặt sợi dây giữa nhân viên với tổ chức. Bởi trong thời gian qua, khi làm từ xa, sẽ có người cảm thấy bị cô lập, tách biệt khi chỉ làm việc quanh quẩn trong nhà.
Do đó thời điểm năm tới là lúc doanh nghiệp cần gia tăng kết nối nhân viên với bức tranh lớn của tổ chức, giúp họ nhận ra ý nghĩa công việc của mình để tạo động lực từ bên trong. Điều này đòi hỏi cần đánh giá lại vai trò của bộ phận nhân sự, trở thành người “dẫn lối” để xây dựng một văn hóa công sở mạnh mẽ, kết nối và kiên cường.
Để nâng cao vai trò của bộ phận Nhân sự đối với thành công của công ty cần thực hiện ba cách. Thứ nhất là bắt đầu từ việc nâng cao vai trò của bộ phận nhân sự trong xây dựng văn hóa. Hãy cho HR một “chỗ ngồi” nhất định để tạo ra những thay đổi tích cực và lắng nghe, nhìn nhận những sáng kiến của họ một cách khách quan. Lãnh đạo phải là người luôn đứng sau, sẵn sàng xuất hiện khi cần, chẳng hạn như có các cuộc trò chuyện 1:1 với nhân viên hay gửi thông điệp nhấn mạnh sứ mệnh của tổ chức.
Ngoài ra, cần đảm bảo các ý tưởng, hoạt động nằm trong chiến lược tổng thể của công ty, không chỉ là những kế hoạch về nhân sự. Khi đó các chiến lược hướng đến sự hòa nhập, hạnh phúc của nhân viên hay những hoạt động ghi nhận trở thành yếu tố bắt buộc.
Doanh nghiệp cũng cần tận dụng công nghệ để đưa ra quyết định tốt hơn. Những dữ liệu cập nhật tức thời từ phản hồi của nhân viên, hiệu suất công việc sẽ là cơ sở quan trọng nhằm xây dựng chiến lược trải nghiệm nhân viên, giúp mọi người kết nối với đội nhóm, với ý nghĩa công việc và những thành công của họ.
Gắn kết và hơn thế nữa
Giờ đây mức độ gắn kết nhân viên không còn là thước đo đánh giá kết quả kinh doanh. Các doanh nghiệp đang hướng đến giải pháp thay thế cụ thể, dễ đánh giá hơn là một công việc tuyệt vời.
Một người làm công việc tuyệt vời sẽ có biểu hiện như họ biết cách đặt đúng câu hỏi, họ biết nhìn nhận, quan sát xung quanh, họ chủ động kết nối với những người mà ít có cơ hội tương tác, họ suy nghĩ, nhìn trước kế hoạch mỗi khi hành động, họ kiên trì tạo ra kết quả. Mỗi nhóm, mỗi cá tính, con người có cách thể hiện các hành vi đó ở mức độ khác nhau.
Doanh nghiệp sẽ cần tập trung vào hành vi dẫn đến tạo công việc tuyệt vời hơn là “chăm chăm” đo độ gắn kết trong nội bộ. Hiểu tính cách của nhân viên cũng như điểm mạnh, điểm yếu của họ và thiết kế hành trình trải nghiệm phù hợp sẽ giúp mỗi nhân viên thực hành các hành vi làm việc tuyệt vời. Đồng thời, tổ chức trong tương lai sẽ phải tạo ra nền văn hóa tích cực, khuyến khích công việc tuyệt vời và trao cơ hội, thành công, và ghi nhận những nỗ lực của nhân viên.
Cá nhân hóa sự ghi nhận
Cá nhân hóa trải nghiệm ghi nhận là cách để mọi nhân viên cảm thấy gắn kết hơn, có cảm hứng để hoàn thành công việc tuyệt vời.
Mỗi nhân viên đều có những nhu cầu, động lực làm việc khác nhau. Có người sẽ thích được lãnh đạo cấp cao khen ngợi công khai, có người chỉ muốn nhận được những ghi nhận thầm lặng. Người lãnh đạo lúc này sẽ cần tìm hiểu mong muốn của cá nhân mỗi người từ việc hình thức khen thưởng, loại hình giải thưởng hay họ có muốn người thân tham gia vào giây phút nhận giải không. Cung cấp nhiều hình thức đa dạng, mang tính cá nhân sẽ khiến người nhận thưởng cảm thấy ý nghĩa và trân trọng điều đó hơn.
Công nghệ gắn liền cuộc sống
Những thay đổi liên tục trong hai năm qua đã chứng minh rõ vai trò của công nghệ trong việc xây dựng, duy trì văn hóa. Khi chuyển sang làm việc kết hợp hoặc hoàn toàn từ xa, tổ chức sẽ cần sử dụng nhiều hơn đến phần mềm công nghệ như Zoom hoặc Google Meets để duy trì kết nối nhân viên và văn hóa bền vững. Hay việc cung cấp các gói trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên, duy trì chế độ ăn uống, tập luyện lành mạnh cũng được ưa chuộng vì tính linh hoạt, cá nhân hóa, thay thế cho những chương trình đào tạo của doanh nghiệp.
Công nghệ phục vụ cho công việc đòi hỏi phải đổi mới, thân thiện cho dù khi làm ở nhà hay công ty và linh hoạt, dễ sử dụng. Do đó, tổ chức cần đánh giá lại các nền tảng đang sử dụng xem liệu chúng có giúp nhân viên hoàn thành công việc dễ dàng không? Công nghệ đó có cung cấp thông tin, số liệu để hỗ trợ xây dựng chiến lược không? Công nghệ đó có củng cố văn hóa doanh nghiệp và kết nối mọi người không?
Đảm bảo cung cấp hệ thống công nghệ đồng bộ và dễ dàng truy cập mọi lúc, mọi nơi sẽ khiến nhân viên luôn cảm thấy gắn kết với nhau, gắn kết với sứ mệnh tổ chức.
Quy tắc linh hoạt
Hiện nay có nhiều hình thức làm việc linh hoạt khác nhau, có thể là làm tại văn phòng hoàn toàn hay làm từ xa hoàn toàn, hoặc cũng có thể áp dụng mô hình kết hợp giữa cả hai. Dường như các quy tắc trước đây đã bị “phá bỏ”, không còn theo một chuẩn mực nào và trở nên dần trở nên linh hoạt hơn bao giờ hết.
Sự linh hoạt không chỉ “gói gọn” về nơi làm việc, thời gian làm việc mà còn là trao quyền để nhân viên lựa chọn hình thức làm việc phù hợp. Và trong tương lai, kỳ vọng của nhân viên về sự linh hoạt được tăng cao hơn, thậm chí họ sẵn sàng nghỉ việc, đổi công ty để đạt được điều đó.
Để tăng tính linh hoạt trong tổ chức, doanh nghiệp có thể cho phép nhân viên lựa chọn vị trí, thời gian làm việc mong muốn, nhưng đồng thời đưa ra một số quy định đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc chung như thời gian họp nhóm,… Đồng thời cần tăng cơ hội kết nối trực tiếp bằng việc tạo thêm không gian mở, tổ chức các hoạt động tại văn phòng. Hơn nữa, một chiến lược phát triển sự nghiệp vững chắc cho nhóm làm từ xa và làm linh hoạt là điều cần thiết. Doanh nghiệp cần đảm bảo tất cả mọi người trong tổ chức được học hỏi, thực hành kỹ năng mới đồng đều và có cơ hội làm việc, thử sức một cách công bằng.