Android là một nền tảng mở, là hệ điều hành được sử dụng bởi hàng trăm triệu chiếc smartphone trên toàn thế giới. Với các hãng OEMs, sự mở Android như một đôi cánh giúp họ bay xa, bay cao trên thị trường smartphone, thế nhưng với chính cha đẻ của nó, Google, Android mở dường như đang khiến cho tập đoàn công nghệ Mỹ này cảm thấy bắt đâu lo lắng, và sẽ thực sự là vấn đề nếu như họ chưa giải quyết được một bài toán vô cùng nan giải: sự phân mảnh của Android. Và đây cũng chính là chủ đề cốt yếu được mang ra thảo luận tại nhiều buổi nói chuyện giữa các kỹ sư Google và các nhà phát triển trên toàn thế giới tại hội nghị Google I/O 2013, với mục tiêu chung là hạn chế tối đa sự phân mảnh cũng như tìm hướng giải quyết vấn đề này.
Phân mảnh là gì? Nguyên nhân của sự phân mảnh trong Android
Trước hết chúng ta cần có một khái niệm khái quát về cụm từ “phân mảnh trong Android”. Đầu tiên cần phải hiểu rằng “Phân mảnh = Phân thành nhiều mảnh”, đúng như vậy, phân mảnh ở Android bị gây ra bởi hai yếu tố chính:
- Các bản cập nhật liên tục được ra mắt trong thời gian ngắn, trong khi các thiết bị cũ vẫn chưa kịp nâng cấp lên bản Android ngay trước đó;
- Quá nhiều hãng OEMs tham gia vào sản xuất điện thoại, tablet Android –> hàng tá thiết bị với đủ loại kích thước, độ phân giải màn hình chạy Android –> sự phân mảnh ngay từ bên trong Android.
Vậy tác hại của phân mảnh là gì? Rõ ràng phân mảnh của Android sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các nhà phát triển ứng dụng và đối với chính các hãng OEMs. Hãy thử lấy ví dụ cho dễ hiểu:
- Khó khăn về ứng dụng: Các developer muốn bán được app thì họ phải tạo ra những app tương thích tốt với các dòng máy Android đang bán chạy, hoặc các máy Android phổ biến. Vậy, khi Samsung ra mắt Galaxy S4 màn hình 5″, độ phân giải Full HD, họ (developer) phải chỉnh sửa lại app của mình cho phù hợp với màn hình có độ phân giải 1920 x 1080 để các điểm ảnh không bị vỡ, trong khi đó họ phải duy trì phát triển các app dành cho những máy có độ phân giải HD, hay những máy có độ phân giải màn hình thấp hơn.
- Khó khăn về các bản cập nhật: Có một thực tế dễ dàng nhận thấy đó là Google liên tục ra mắt các bản cập nhật Android trong một thời gian cực kỳ ngắn. Quay trở lại với khi Android còn có hai phiên bản: một dành cho smartphone (từ Android 2.3 Gingerbread trở xuống), và một dành cho tablet (Android 3.0 Honeycomb), lúc đó Android 2.3 đang bắt đầu thịnh hành và nhiều máy vẫn còn đang trong quá trình nâng cấp lên, thì Google quyết định hợp nhất Android và tung ra phiên bản 4.0 rồi sau đó không lâu là 4.1, 4.2. Việc cập nhật Android lên phiên bản mới quá nhanh đã gây ít nhiều trở ngại cho các hãng OEMs, họ sẽ phải bắt tay vào chỉnh sửa giao diện, bắt đầu tiến trình cập nhật Android 4.0, 4.1 cho các dòng máy cao cấp và trung cấp (một số máy mới chỉ được lên Android 2.3 vài ngày), và rồi kết quả là gì: người dùng dài cổ chờ đợi lên Android bản mới nhất hoặc chấp nhận bỏ tiền ra để mua các smartphone mới được cài sẵn Android 4.1 hay 4.2.
Tất nhiên, các thành viên trong đội ngũ phát triển Android của Google đã nhận thức được các vấn đề trên, thế nhưng việc hạn chế nó là một điều “nói thì dễ nhưng làm thì khó”. Trong suốt buổi nói chuyện với các nhà lập trình viên, đại diện bộ phận Android của Google, ông Dave Burke, cho biết rõ ràng là rất khó khăn để cân bằng giữa việc hỗ trợ cho các thiết bị phần cứng cũ và liên tục đề ra các giải pháp sáng tạo cho Android để đáp ứng nhu cầu người dùng. Burke hoàn toàn có lý khi nói điều này, như chúng ta biết, các bản Android mới luôn bao gồm hàng loạt những tính năng mới, sáng tạo hơn, độc đáo hơn, và ngày càng hoàn thiện hơn, thế nhưng khi mà Google càng cố gắng làm cho Android trở nên hoàn hảo hơn với các bản cập nhật liên tục, thì họ lại vô tình làm “buồn lòng” những người dùng các smartphone thế hệ cũ – vốn có cấu hình phần cứng không đáp ứng nổi, hoặc phải chờ đợi vài tháng mới có thể nhận được bản nâng cấp Android mới.
Trên thực tế, Google đã có một nỗ lực nhằm hạn chế sự phân mảnh ngày càng trầm trọng của Android, đó là tung ra phiên bản Android 4.0 Ice Cream Sandwich (bản Android hợp nhất tương thích với cả tablet và smartphone). Mục đích của việc tạo ra ICS đó là giúp các nhà phát triển không phải tạo ra hai phiên bản cho cùng một app (một cho tablet và một cho điện thoại), từ đó các app được ra mắt và nâng cấp nhanh hơn. Nhưng tiếc thay, kể từ khi ICS ra đời, ngày càng nhiều developer từ bỏ người dùng HĐH Android 2.3 trở xuống, và chỉ cho ra mắt các app yêu cầu máy phải chạy ICS trở lên. Có lẽ Google trước khi ra mắt ICS đã tính trước được điều này, nhưng họ nghĩ rằng sự hy sinh lượng người dùng Android 2.3, 2.2 để thay đổi hoàn toàn nền tảng Android sẽ là một bước đi chiến lược khôn ngoan hơn, đặc biệt khi tính đến tương lai của Android.
Giải pháp mang tên “Nexus”
Android 4.0 Ice Cream Sandwich là nỗ lực đầu tiên của Google trong việc làm chậm lại sự phân mảnh của Android, vậy nỗ lực thứ hai của hãng là gì: chính là dòng máy Nexus. Trước khi nói về các thiết bị Nexus, Burke không quên đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm, ông nói rằng vấn đề “phân mảnh của Android” về cơ bản bị gây ra bởi chính những chiếc máy chạy các phiên bản Android không thuần khiết. Burke tiếp tục ám chỉ rằng chính những giao diện, các app bên thứ ba, hiệu ứng từ phía các hãng OEMs, nhà mạng là những yêu tố khiến cho các dòng máy smartphone mặc dù là cao cấp nhưng vẫn không thể cập nhật Android bản mới nhất đúng thời hạn. Vì vậy cứ mỗi khi Google ra mắt bản Android mới, các hãng OEMs cùng nhà mạng lại bắt đầu phát triển theme, app cài thêm cho các thiết bị của họ – hậu quả là tốn thêm thời gian và tiền bạc – cùng với đó là bắt người dùng phải chờ đợi trong mỏi mệt.
Vậy giải pháp tốt nhất để chống lại sự phân mảnh, để có thể trải nghiệm hệ điều hành Android một cách “thuần khiết” nhất, đó chính là sử dụng các dòng máy Nexus của Google. Hãy nhìn vào Galaxy Nexus hay Nexus 4, chúng luôn nhận được các bản Android mới nhất ngay lập tức mà không phải chờ đợi hàng tháng trời, bởi cả hai đều dùng giao diện Android gốc, không có bất kỳ sự can thiệp bởi các hãng OEMs hay nhà mạng. Chính vì những lợi ích quá lớn từ Android gốc, nên vừa qua chúng ta cũng đã thấy Samsung cùng Google đã hợp tác với nhau cho ra mắt chiếc Galaxy S4 chạy Android thuần: dùng giao diện như các dòng máy Nexus – đây có thể coi là một bước đi khôn ngoan của cả Google lẫn Samsung. Samsung sẽ cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn, trong khi Google lại tiến một bước dài trong chiến dịch hạn chế sự phân mảnh của Android.
Có thể thấy, Android giờ đây đang được chia thành hai mảng: một là Android gốc mang âm hưởng của Nexus, hai là Android đã qua chỉnh sửa, tuỳ biến bởi các OEMs hay nhà mạng. Trong đó, nếu như Android ở mảng thứ hai sẽ dành cho những ai thích sự cầu kỳ, thích các hiệu ứng đẹp, thích sự phức tạp và giao diện đặc trưng như TouchWiz của Samsung hay HTC Sense của HTC, thì Android ở nhóm thứ nhất dường như là một kế hoạch về lâu về dài của Google hơn. Đó là kế hoạch thống nhất Android, hạn chế tối đa sự phân mảnh, và mang sự trải nghiệm Android “thuần khiết nhất” đến với người tiêu dùng.
Lời kết
Hệ điều hành Android xuất hiện ở nhiều smartphone với mọi phân khúc, từ cấp thấp đến cao cấp, thế nhưng chính việc này sẽ khiến cho vấn đề phân mảnh của Android ngày càng nghiêm trọng hơn. Burke cho biết giải pháp khả thi nhất của Google hiện giờ là làm giảm dung lượng của các bản cập nhật và đơn giản hoá yêu cầu phần cứng, thế nhưng liệu việc này có hiệu quả? Liệu áp lực từ các đối thủ như iOS, Windows Phone, hay BlackBerry sẽ khiến cho Google chịu chấp nhận phát triển các bản cập nhật Android xoay quanh các dòng máy cấp thấp? Câu trả lời có lẽ là không bao giờ, phải chấp nhận một thực tế rằng việc chú trọng vào các dòng máy cao cấp sẽ giúp Google tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nhưng thay vào đó họ sẽ phải từ bỏ người dùng các smartphone Android cấp thấp. Google có thể hạ thấp dung lượng của các gói cập nhật, nhằm hy vọng đưa Android mới nhất đến với các smartphone cũ, thế nhưng họ không thể nào đưa các tính năng vốn chỉ chạy tốt trên các smartphone 4 nhân lên một chiếc điện thoại lõi đơn hay lõi kép.
Nexus là một giải pháp tuyệt vời của Google trong việc ngăn chặn nạn phân mảnh, nhưng điều đó là chưa đủ. Google cần phải làm nhiều việc hơn nữa với Android, họ nên tung ra các bản cập nhật nhỏ, chú trọng vào những tính năng mới quan trọng, thay vì đưa ra những bản nâng cấp nhảy vọt như Android 2.3 lên Android 4.0. Hệ quả là sau một thời gian dài ra mắt Android 4.0, một lượng rất lớn các máy Android trên thị trường vẫn dậm chân tại Android 2.3 Gingerbread hoặc Android 2.2Froyo. Việc chú trọng vào tính năng thay vì làm lại giao diện nền tảng, sẽ giúp các hãng OEMs cập nhật những thiết bị của mình một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Hy vọng, với giải pháp mang tên Nexus và những tối ưu hoá các bản cập nhật Android, Google sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu “thống nhất Android”, và người dùng lúc đó sẽ không phải đắn đo suy nghĩ: không biết chiếc điện thoại Android đó có được cập nhật lên Android 4.2.2 trong tương lai hay không, hay lại mới mua về rồi bị bỏ rơi !
Theo Tinhte