7 sự kiện công nghệ nổi bật năm 2012

Năm nay chứng kiến nhiều diễn biến quan trọng và mang tính bước ngoặt, làm thay đổi cục diện trong lĩnh vực công nghệ cả ở Việt Nam và trên toàn cầu. 

2012 có khá nhiều sự kiện thế giới liên quan tới con số “một tỷ”. Facebook đạt 1 tỷ thành viên. Instagram được mua với giá 1 tỷ USD. Apple thắng kiện và được bồi thường cũng với 1 tỷ USD. Trong khi đó, số lỗ của Nokia mỗi quý là từ nửa tỷ đến hơn 1 tỷ USD. Còn tại Việt Nam, 2012 đánh dấu 15 năm Internet được mở, trong khi đó, vai trò của công nghệ thông tin (CNTT) cũng ngày càng được nhận thức rõ và đúng đắn hơn.

Thông tin là hạ tầng quan trọng của quốc gia

tac-duong-jpg-1355491241_500x0.jpg
CNTT giúp giải quyết các vấn nạn như tắc đường, thiếu giường bệnh…

CNTT không còn là một ngành kinh tế đơn thuần mà hiện được coi là nền móng cho các ngành khác phát triển. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI khẳng định hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng thiết yếu, là nền tảng để thực hiện công cuộc hiện đại hoá và cần được ưu tiên đầu tư trong tổng thể xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Nghị quyết đã nêu quan điểm đột phá trong tư duy chiến lược của Trung ương Đảng khi coi việc phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ hàng đầu trong lộ trình hiện đại hoá từng ngành, từng lĩnh vực. Trong suốt năm 2012, nhiều hội thảo đã được tổ chức nhằm hiện thực tầm nhìn mới của Nghị quyết số 13 và khẳng định CNTT có thể chưa trực tiếp đóng góp nhiều cho GDP của cả nước nhưng lại tác động đến tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… Do đó tầm quan trọng của CNTT cần được xếp ngang hàng với điện – đường – trường – trạm, thậm chí còn hơn thế nữa.

Trong khi đó, Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT-TT dự kiến sẽ được chuyển đổi, nâng cấp lên thành Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT và do Thủ tướng làm Chủ tịch, thể hiện quyết tâm chính trị của các lãnh đạo trong việc phát triển và hiện đại hóa đất nước bằng ứng dụng CNTT.

15 năm internet và những dấu mốc quan trọng trong đời sống

Internet-jpg-1355490657-1355491242_500x0
Thế hệ người dùng Internet kế tiếp sẽ chủ yếu online qua thiết bị di động.

Ngày 19/11/1997, Internet chính thức được mở tại Việt Nam với phương thức kết nối dial-up. Nhưng có thể khẳng định những người ngày ngày cập nhật mạng xã hội, đọc báo điện tử… hiện nay ở Việt Nam không ai còn đăng ký thuê bao dial-up bởi dịch vụ Internet gián tiếp này đã chính thức bị khai tử từ ngày 15/7 vì sự tụt hậu về tốc độ và sự nổi lên của các kết nối Internet không dây như Wi-Fi hay 3G.

Theo thống kê của Cimigo, có tới 48% người dùng Việt Nam truy cập Internet qua điện thoại di động, trong số đó 25% là smartphone. Các thành phố Wi-Fi miễn phí cũng bắt đầu xuất hiện như Hội An (từ 28/3), Hạ Long (từ 23/4) trong khi Đà Nẵng và Huế đang đầu tư khoảng 1 triệu USD để thực hiện chiến lược tương tự vào năm 2013 nhằm phục vụ du khách và người dân. Sau 15 năm, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với khoảng 31 triệu người, chiếm 34% dân số cả nước và đa phần hình thành từ kỷ nguyên máy tính desktop. Có nghĩa, vẫn còn 60 triệu người chưa có cơ hội tiếp cận mạng kết nối toàn cầu và giới phân tích dự đoán thế hệ người dùng Internet kế tiếp sẽ chủ yếu online qua thiết bị di động thay vì qua PC truyền thống.

Vụ kiện tỷ đô giữa Apple và Samsung

vu-kien-jpg-1355491242_500x0.jpg
Apple và Samsung đang kiện nhau trên 10 quốc gia.

Nếu muốn thấy hệ thống bản quyền công nghệ rắc rối như thế nào, người ta chỉ cần theo dõi quá trình kiện cáo giữa hai đại diện lớn nhất trên thị trường smartphone: Apple và Samsung. Cuộc chiến pháp lý ấy trải dài trên cả 4 châu lục và có những kết quả hoàn toàn khác nhau. Phiên tòa ở Mỹ hồi tháng 8 thu hút sự chú ý đặc biệt vì tại “sân nhà”, Apple đòi khoản bồi thường lên tới 2,5 tỷ USD với lý do Samsung cố tình sao chép thiết kế iPhone và iPad. Để đạt mục đích, hãng này sẵn sàng tiết lộ nhiều bí mật nhằm chứng minh họ đã vất vả thế nào trong quá trình sản xuất điện thoại mới làm ra được một sản phẩm thành công vang dội. Sự thù ghét Samsung được đúc kết trong câu nói của luật sư William Lee: “Chúng tôi mất 5 năm để tạo nên một cuộc cách mạng. Còn Samsung chỉ mất 3 tháng để bắt chước”. Kết quả là công ty Hàn Quốc bị xử thua và phải bồi thường 1 tỷ USD cho Apple – phán quyết mà Samsung coi là “một sự thiệt thòi cho người tiêu dùng Mỹ” còn Apple hả hê vì “đây là bài học cho hành động ăn cắp”.

Tuy nhiên, kết quả trên những đấu trường khác lại khiến tâm trạng của người hâm mộ liên tục thay đổi. Apple chưa mừng được lâu thì ngay đầu tháng 9, họ bại trận ở Nhật rồi bị tòa án Anh bắt xin lỗi Samsung trên website của hãng và một số báo lớn vì đã kiện cáo vô cớ. Nhưng Apple tiếp tục thắng ở Hà Lan khi thẩm phán yêu cầu Samsung ngừng bán sản phẩm vi phạm bản quyền và phải bồi thường cho đối thủ đến từ Mỹ 120.000 USD/ngày nếu không tuân theo lệnh này. Sự việc căng thẳng và mệt mỏi tới mức thẩm phán một số nước khuyên hai bên đình chiến thay vì cố theo đuổi một vụ kiện nực cười.

Năm kỷ lục của các mạng xã hội

Obama-jpg-1355491242_500x0.jpg
Bầu cử Mỹ là một trong những sự kiện đình đám nhất trên mạng xã hội.

2012 là năm bùng nổ của mạng xã hội khi các kỷ lục liên tiếp được lập ra rồi lại bị xô đổ chỉ trong thời gian ngắn. Những lời tiếc thương sự ra đi quá sớm của nữ ca sĩ Whitney Houston, làn sóng phản đối dự luật Internet SOPA/PIPA, sự tàn phá của siêu bão Sandy, sức nóng mùa giải Euro 2012… thu hút hàng trục triệu lượt chia sẻ trên Twitter. Tuy nhiên, sự kiện rầm rộ nhất trên mạng chính là Olympics London. 16 ngày diễn ra Thế vận hội đón nhận tới 150 triệu thông điệp được đăng lên. Còn ngày có nhiều tweet nhất lại thuộc về hôm bầu cử ở Mỹ (5/11) với 31 triệu tweet, tức trung bình 327.452 tweet mỗi phút. Tấm hình “Four more years” của tổng thống Barack Obama sau khi tái đắc cử cũng trở thành bức ảnh được chia sẻ nhiều nhất mọi thời đại với 810.000 lần trên Twitter, 600.000 lượt trên Facebook và 4,4 triệu người bấm like.

Facebook cũng trở thành mạng xã hội đầu tiên trên thế giới cán mốc 1 tỷ người dùng vào ngày 14/9, còn Google+ thể hiện sự vươn lên thần kỳ khi thu hút tới 500 triệu thành viên chỉ sau 17 tháng, xứng danh “mạng phát triển nhanh nhất trong lịch sử Internet”.

Cuộc chiến máy tính bảng vào giai đoạn khốc liệt

tablet-jpg-1355491017-1355491242_500x0.j
Thị trường tablet sôi động nhờ những thiết bị mới như Surface, Nexux và iPad Mini.

Cho tới giữa 2012, trào lưu máy tính bảng được mở ra từ năm 2010 vẫn gây thất vọng vì các nhà sản xuất tỏ ra quá yếu thế trong cuộc cạnh tranh với Apple. Tuy nhiên, bất ngờ liên tục xuất hiện vào 6 tháng cuối, mở màn bằng việc Microsoft trình làng máy Surface chạy Windows 8 ngày 18/6. Sản phẩm đánh dấu bước ngoặt mạo hiểm của tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới: rũ bỏ mô hình kinh doanh truyền thống là chỉ phát triển phần mềm để tránh xung đột với đối tác. Surface gây chú ý còn vì ngoài chức năng tablet, nó có thể đảm nhiệm vai trò của một laptop với bàn phím, hỗ trợ Office và tương thích ứng dụng Windows cũ.

Ngay sau đó một tháng, đến lượt Google gia nhập thị trường này với Nexus 7 cấu hình cao giá chỉ 200 USD. Mục tiêu của Google không phải kiếm lời từ tablet mà muốn bán thiết bị bằng bất cứ giá nào để tăng thị phần cho Android sau khi chứng kiến sự ì ạch của đối tác. Tuy nhiên, tham vọng làm chủ phân khúc tablet 7-8 inch của Google và Amazon đang có nguy cơ bị Apple vùi dập. Sau 2 năm phủ nhận lợi ích của máy tính bảng cỡ nhỏ, Apple đã tung ra iPad Mini 7,9 inch và sản phẩm liên tục “cháy hàng”. Apple còn gây ngạc nhiên khi đi một nước cờ lạ là khai tử iPad thế hệ ba, mới xuất hiện tháng 3/2012, và thay thế bằng iPad thế hệ bốn. Với quan điểm sản phẩm chỉ thành công khi có một hệ sinh thái nội dung đi kèm, các nhà phân tích nhận định thị trường tablet sẽ chỉ còn là cuộc chơi của bộ tứ Apple, Microsoft, Amazon và Google (ba trong số đó xuất thân là công ty xuất phần mềm và dịch vụ).

Bước ngoặt tỷ đô của ứng dụng di động

Insta-jpg-1355491243_500x0.jpg
Ứng dụng di động – mảnh đất màu mỡ.

Ứng dụng di động đã được coi là một nghề thời thượng cho các lập trình viên khi mà smartphone và tablet đang dần trở thành trung tâm điện toán thay cho máy tính. Cũng đã có nhiều câu chuyện về những người chỉ mới ở độ tuổi đôi mươi kiếm được hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu đô nhờ viết ứng dụng. Tuy nhiên, việc Instagram được Facebook mua lại với giá 1 tỷ USD tháng 4/2012 vẫn khiến giới công nghệ sửng sốt. Đơn giản cung cấp một số bộ lọc tạo hiệu ứng cổ điển cho ảnh chụp từ smartphone, vậy mà Instagram được định giá lên tới 9 con số. Từ lúc này, quan niệm rằng ứng dụng di động chỉ là những phần mềm nhỏ bé đã thay đổi.

Thương vụ đó đã làm dấy lên những hy vọng, những giấc mơ lớn hơn và có cơ sở hơn cho các chuyên gia phát triển thế hệ 8x, 9x khi bước vào lĩnh vực tiềm năng và màu mỡ này. Ban đầu, đa phần chỉ coi đây như một niềm đam mê, thú vui ngoài giờ, còn hiện đã có rất nhiều người dám từ bỏ cả công việc để dành trọn thời gian viết ứng dụng, dù phía sau nó cũng tồn tại không ít mặt trái bởi những gì càng hấp dẫn thì sẽ càng bị cạnh tranh khắc nghiệt.

Năm lao đao của các nhà sản xuất smartphone

Nokia-jpg-1355491215-1355491243_500x0.jp
Nokia có một năm thất bát.

Thành công vượt trội của Apple và Samsung đang đẩy các hãng sản xuất smartphone khác vào tình cảnh khó khăn. Hầu hết thị phần lợi nhuận thuộc về hai đại gia này và khiến các tên tuổi còn lại phải chia nhau “miếng bánh” quá nhỏ bé. RIM không tránh khỏi vận đen khi giá trị thị trường giảm 95% so với năm 2008. Trước tình trạng mỗi quý thua lỗ vài trăm triệu USD, hãng này đã tìm mọi cách để cắt giảm chí phí như sa thải 5.000 nhân công, thậm chí bán máy bay riêng. Trong khi đó, nền tảng BlackBerry 10 liên tục bị trì hoãn cho tới năm 2013. HTC may mắn không lỗ, nhưng doanh số tiêu thụ smartphone giảm 36% còn doanh thu cũng giảm tới 61% trong tháng 10/2012 so với cùng kỳ năm trước. Họ còn bị gán danh hiệu “thảm họa chiến lược kinh doanh của năm”. Những tên tuổi lớn khác như LG, Motorola, Sony… vẫn đều đặn trình làng sản phẩm nhưng không thu được nhiều lợi nhuận do phải san sẻ thị phần với các thương hiệu đang lên trong phân khúc smartphone giá rẻ, chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Ảm đạm nhất là Nokia khi số lỗ của họ mỗi quý lên tới cả tỷ đô. Hãng này chính thức bị bật khỏi bảng xếp hạng 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, phải bán đi thương hiệu điện thoại hạng sang Vertu, đóng cửa một loạt nhà máy trên khắp thế giới và mới nhất là phải bán cả trụ sở chính ở Phần Lan. Việc bắt tay với Microsoft phát triển dòng Lumia đã đem đến những tín hiệu khả quan, nhưng con đường tìm lại ngôi vương đang ngày một xa vời. Những con số trên cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường smartphone đã và đang làm đảo lộn trật tự thứ hạng vốn đã hình thành từ lâu trên thị trường điện thoại.

(Vnexpress)