Giữa đại dịch cúm Corona, ai “vớ bẫm” và “ăn nên làm ra” nhất?

Cả thế giới đang sôi sục lên vì đại dịch cúm virus Corona ở Trung Quốc thì những sản phẩm này bỗng chốc trở thành kẻ “vớ bẫm” và “ăn nên làm ra” nhất. Đó là?

Game online, ứng dụng làm việc từ xa và các dịch vụ chẩn đoán trực tuyến – đó chính là những cái tên “vớ bở” nhất giữa mùa bệnh dịch này.

Các game online trở nên hot chóng mặt

Thời thế đổi thay sẽ sinh ra những kẻ thắng người thua dựa theo chiều gió thổi, và ở một xã hội đang phát triển nhanh chóng trong ngành công nghệ số như tại Trung Quốc, vấn đề này càng hiển hiện rõ rệt hơn. “Các tựa game online sẽ trở thành lĩnh vực có được nhiều lợi thế nhất trong hoàn cảnh mùa bệnh hoành hành,” chuyên gia phân tích Jialong Shi từ Nomura khẳng định. Nhiều bằng chứng đã được đưa ra cho thấy lượng người chơi cũng như tổng phí trả tiền quy đổi trong những game nổi tiếng hàng đầu đã tăng lên chóng mặt.

Honor of Kings

Chẳng hạn, tựa game “Honor of Kings” từ ông lớn Tencent đã vọt lên đầu bảng với lượng người chơi hàng ngày vượt mốc 100 triệu trong dịp Tết Âm lịch vừa rồi. Thông thường, thành tích chung của họ sẽ đạt mức 60-70 triệu, rất hiếm khi lên tới đỉnh cao như vậy.

Giữa đại dịch cúm Corona, ai "vớ bẫm" và "ăn nên làm ra" nhất? 1
“Bước đà này sẽ còn tiếp diễn thêm trong thời gian tới bởi các trường đại học Trung Quốc vẫn đang cho sinh viên nghỉ dài để tránh dịch, tạm thời dự kiến tới tận giữa tháng 2. Dĩ nhiên, học sinh sinh viên là đối tượng ưa thích và phổ biến đối với các trò chơi game online cả từ máy tính và điện thoại.”

Hãng quản lý bảo mật Sinolinks Securities cũng đồng tình với quan điểm trên, cho rằng “Các công ty phát triển game đang là những đầu tàu hưởng lợi nhiều nhất từ dịp bùng phát dịch bệnh.” Thậm chí, họ còn dự đoán mức đỉnh điểm mà “Honor of Kings” đạt được sẽ lên tới kỷ lục tận 120-150 triệu người dùng/ngày, không chỉ dừng ở 100 triệu như hiện tại.

Game for Peace và Plague Inc.

Ở một diễn biến khác, “Game for Peace” cũng là một tên tuổi lớn trong số các sản phẩm game của Tencent, đã tiết lộ tổng doanh thu rơi ở khoảng 200-500 triệu NDT (28-71 triệu USD) chỉ tính riêng trong những ngày nghỉ Tết. Ngoài ra, tựa game “Plague Inc.” – với nhiệm vụ cho người chơi tạo ra một dịch bệnh ảo – cũng chiếm lĩnh vị trí số 1 trên AppStore của Trung Quốc tháng vừa rồi. Thực chất, “Plague Inc.” đã ra mắt từ 8 năm trước bởi hãng Ndemic Creations tại Anh, nhưng rồi bất ngờ nổi lên dạo gần đây bởi tính chất nội dung liên quan tới thực tế khiến nhiều người tò mò và tải về chơi thử. Điều tương tự cũng đã xảy ra vào năm 2014 khi dịch Ebola bùng phát trên thế giới.

Giữa đại dịch cúm Corona, ai "vớ bẫm" và "ăn nên làm ra" nhất? 2
Plague Inc. cho phép người chơi tự hóa thân vào một con virus đi chiếm lấy thế giới.

Nền tảng mạng xã hội video ngắn

Bên cạnh hình thức chơi game, các nền tảng mạng xã hội video ngắn cũng là lĩnh vực bùng nổ tại Trung Quốc bởi chúng được coi như một nguồn thông tin giải trí lớn, giết thời gian rất tốt và “ghiền” cho cư dân mạng chỉ dám ở nhà tránh bệnh. Kwai – một trong những đối thủ lớn của TikTok – đã thu về tổng cộng 780 triệu người xem và 63,9 tỷ lượt tương tác cho chiến dịch phát sóng đêm Gala Tết của mình.

Ứng dụng hỗ trợ làm việc online rất “hot” mùa Corona

Một kiểu hình khác cũng thu hút lượng người dùng lớn trong thời gian dịch bệnh: Ứng dụng hỗ trợ làm việc online. Người lao động nói chung ở một số tỉnh thành có nguy cơ nhiễm bệnh cao vẫn được cho phép nghỉ việc ở nhà, trong khi đó một số văn phòng công ty lại nghĩ ra phương pháp đối phó hiệu quả và hữu hiệu hơn. Thông qua các ứng dụng như DingTalk, WeChat Work…, họ dần làm quen với cách trao đổi và hoàn thành công việc từ xa tại nhà. Thứ Hai vừa rồi (3/2), thống kê ghi nhận có tới hơn 200 triệu người truy cập DingTalk để làm việc online, khiến ứng dụng này lọt top đầu bảng ngay trong 2 ngày tiếp theo.

Giữa đại dịch cúm Corona, ai "vớ bẫm" và "ăn nên làm ra" nhất? 3
TikTok không chỉ là một nguồn tin giải trí mà cũng có thể dùng để cập nhật tình hình từ chính những người dùng sống gần tâm dịch.

Cách làm trên cũng tương tự như phương án được nhiều trường học áp dụng ở Trung Quốc, giúp phân phối bài giảng kiến thức mới cho học sinh nhờ hệ thống học online. “Số lượng các học viên tham gia khóa học của tôi gần đây đã tăng 20% nhờ lượng người học online,” chia sẻ từ David Whang, một giáo viên chuyên ôn luyện cho học sinh cấp 3. “Nhiều học sinh muốn học online hơn bởi họ có thể tiết kiệm thời gian di chuyển cũng như xem lại video bất kỳ lúc nào sau giờ học.”

Cuối cùng, các tính năng chẩn đoán và tư vấn sức khỏe online cũng là chủ đề nóng đối với nhiều cư dân mạng thời buổi ngày nay. WeDoctor Group (hậu thuẫn bởi Tencent) với dịch vụ tư vấn qua Internet của họ đã nhận về 770.000 yêu cầu chỉ tính trong giai đoạn ngày 23/1-30/1. Một nền tảng khác cũng của Tencent – Trusted Doctor – còn thu về tận 1,21 triệu lượt hỏi đáp tư vấn trên toàn quốc trong 6 ngày cuối tháng 1 vừa rồi, cao gấp 4 lần so với thành tích cùng kỳ năm ngoái.

Giữa đại dịch cúm Corona, ai "vớ bẫm" và "ăn nên làm ra" nhất? 4
Một nhân viên tại WeDoctor Group.

Những sản phẩm này như một giải pháp tình thế trước mắt khi người dân không thể đi làm hoặc đơn giản để người chơi giải trí giữa mùa dịch bệnh Corona.

Bài học: Tùy theo hoàn cảnh thực tế, hãy biết tận dụng những gì bạn đang có để phục vụ cộng đồng và nâng cao doanh thu sản phẩm nhé.

Tham khảo: SCMP và Kenh14