Metaverse, smarthome, xe điện, thiết bị đo sức khỏe… không chỉ là xu hướng mà sẽ thâm nhập sâu và thay đổi cuộc sống của con người trong năm nay.
2021 được xem là năm mà AI có nhiều cải tiến lớn và gần gũi hơn trong cuộc sống. Công nghệ blockchain, đặc biệt là game blockchain, NFT đã bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Bên cạnh đó, vũ trụ ảo metaverse cũng có những bước đi đầu tiên, hứa hẹn phát triển mạnh trong năm nay.
Cuộc đua metaverse
Năm ngoái, Facebook thể hiện mục tiêu tiến vào metaverse khi quyết định đổi tên công ty thành Meta. Hàng loạt công ty lớn khác như Google, Microsoft và Apple cũng đang trên đường chinh phục lĩnh vực này. Giới phân tích nhận định, metaverse sẽ là từ khóa phủ khắp thế giới công nghệ năm nay và tác động lớn đến cách tương tác của người dùng.
“2022 sẽ là năm cuộc đua metaverse trở nên gay cấn. Các công ty công nghệ lớn sẽ tranh giành từng thị phần ở lĩnh vực mới nổi này”, Rolf Illenberger, CEO của nhà sản xuất phần mềm thực tế ảo VRdirect, nói với Washington Post.
Cuộc đua vũ trụ ảo đã được khởi động từ trước. Bộ phận Oculus của Meta đã đạt cột mốc quan trọng là xuất xưởng 10 triệu kính VR. Microsoft cũng tham gia thị trường VR được vài năm, đồng thời chi 68,7 tỷ USD để mua lại công ty game Activision Blizzard với tham vọng tiến sâu hơn vào vũ trụ ảo. Ngày 27/1, CEO Apple Tim Cook nhận xét metaverse là “lĩnh vực thú vị, có tiềm năng lớn và công ty đang đầu tư phù hợp”. Trong khi đó, Google được cho là đang bí mật phát triển một mẫu kính thực tế tăng cường AR với sự tham gia của 300 nhân viên.
Hàng loạt sản phẩn VR, AR và các phần mềm liên quan cũng được trình diễn tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2022 hồi đầu tháng 1 ở Las Vegas. Theo New York Times, đây là dấu hiệu về sự bùng nổ của loại thiết bị này trong năm nay.
Thiết bị smarthome dùng chuẩn chung
Người dùng không còn xa lạ với các sản phẩm nhà thông minh smarthome như khóa cửa, đèn ngủ, robot hút bụi… kết nối Internet và điều khiển từ xa. Chúng cũng hoạt động đáng tin cậy hơn nhờ các trợ lý kỹ thuật số như Amazon Alexa, Google Assistant hay Apple Siri.
Tuy nhiên, thị trường nhà thông minh vẫn khá hỗn loạn. Sản phẩm của hãng này không tương thích hoặc không hoạt động tốt với công nghệ của hãng khác. Ví dụ, một số khóa cửa chỉ hoạt động ổn định với iPhone, hay có những bộ điều nhiệt chỉ nghe lệnh của Google Assistant, trong khi vô dụng khi sử dụng Siri.
Điều này đặt ra nhu cầu về một chuẩn chung cho nhà thông minh. Các công ty lớn như Apple, Samsung, Google, Amazon đang có kế hoạch phát hành và cập nhật công nghệ smarthome để tương thích với Matter – tiêu chuẩn mới cho phép thiết bị thông minh trong nhà giao tiếp với nhau, bất kể chúng tích hợp trợ lý ảo hay đến từ thương hiệu nào.
“Khi tất cả có ngôn ngữ chung, công nghệ sẽ chứng minh được tính hữu dụng”, Samantha Osborne, Phó chủ tịch mảng SmartThings của Samsung, nói với New York Times. Theo giới chuyên gia, Matter dự kiến phổ biến năm nay khi có hơn 100 sản phẩm smarthome tuân theo tiêu chuẩn này.
Công nghệ phục vụ sức khoẻ
Vài năm qua, các thiết bị đeo theo dõi sức khoẻ như đo chuyển động, nhịp tim, lượng calo tiêu thụ, nồng độ SpO2 trong máu, đo điện tâm đồ… ngày một phổ biến. Nhưng trong 2022, các sản phẩm sẽ trở nên nhỏ gọn, nhiều tính năng và phân tích dữ liệu cơ thể chính xác hơn để thực sự trở thành sản phẩm thiết yếu của con người.
Tại CES 2022, Abbott giới thiệu miếng dán Lingo tích hợp kim dài 5 mm cùng cảm biến, cho phép đo chỉ số cơ thể như mức độ glucose, xeton và lactate trong máu. Hay công ty khởi nghiệp Movano ra mắt nhẫn chứa cảm biến theo dõi nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, và sử dụng AI để phân tích các thông số, sau đó đưa ra khuyến cáo cho người dùng.
Việc hiểu rõ hơn thói quen hàng ngày có thể giúp đưa ra quyết định tốt hơn về sức khỏe, phát hiện sớm vấn đề để đến bệnh viện kiểm tra. Dù vậy, các chuyên gia cũng lo ngại một số thiết bị có thể chẩn đoán sai gây lo lắng cho người dùng, cũng như thu thập dữ liệu y tế cá nhân quá mức cho phép.
Xe điện sẽ phổ biến
Nhiều công ty trên toàn cầu bắt đầu cuộc đua phát triển xe điện. Theo New York YTimes, xu hướng này sẽ bùng nổ năm nay, thể hiện qua CES 2021 – một sự kiện trước đây vốn chủ yếu là các sản phẩm về tiêu dùng. Tại đây, Ford Motor công bố kế hoạch sản xuất mẫu xe bán tải chạy điện F-150 Lightning, trong khi General Motors cũng phát triển phiên bản chạy pin cho Chevrolet Silverado. Mercedes-Benz cũng đã lên kế hoạch phát hành ôtô điện trong tương lai gần.
Trong khi đó, Washington Post dự đoán số lượng xe điện sản xuất trong 2022 sẽ nhiều hơn, đồng thời hạ tầng hỗ trợ sạc cho loại xe này ngày một nhiều và có tiêu chuẩn thống nhất cho mọi loại xe. Bên cạnh các tên tuổi như Tesla, Ford, General Motors, Mercedes-Benz và Volkswagen, thị trường sẽ có hàng loạt start-up về xe điện bước vào cạnh tranh.
Sửa chữa thiết bị dễ dàng hơn
Trước đây, các nhà sản xuất thiết bị như điện thoại, tablet, laptop… thường khiến sản phẩm khó sửa, buộc người dùng phải mang đến trung tâm bảo hành nếu xảy ra sự cố. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi trong năm 2022.
Apple, công ty nhiều năm duy trì sự kiểm soát chặt chẽ ở khâu sửa chữa thiết bị, dự kiến triển khai chương trình cho phép người dùng mang iPhone đến các cửa hàng sửa chữa bên thứ ba nhưng vẫn được bảo hành. Các sản phẩm khác như máy tính Mac, iPad… cũng sẽ sớm được áp dụng chính sách tương tự.
Microsoft cũng công bố tùy chọn cho phép người dùng tự do sửa Surface nếu bị hỏng và vẫn áp dụng các điều khoản nếu thiết bị còn trong thời gian bảo hành. Dell đang thử nghiệm một concept gọi là Luna – laptop có thiết kế ít ốc vít hơn, hỗ trợ tháo lắp, xử lý hoặc nâng cấp dễ dàng hơn.