Nếu bạn muốn đi phỏng vấn xin việc thành công, muốn gây ấn tượng với Nhà tuyển dụng cũng như thể hiện sự quan tâm của mình tới vị trí ứng tuyển thì hãy đặt ngay 4 câu hỏi sau đây với họ.
Chìa khóa để phỏng vấn xin việc thành công không nằm ở việc bạn trả lời đúng hết tất cả câu hỏi của nhà tuyển dụng, nó nằm ở việc bạn đưa ra những câu hỏi đúng trọng tâm và quan trọng.
Tuy nhiên, việc đặt các câu hỏi trong buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn tạo ấn tượng đối với nhà tuyển dụng và thể hiện rõ việc bạn thực sự quan tâm đến vị trí đang tuyển dụng. Nhưng chúng ta cũng không thể đưa ra những câu hỏi ngẫu nhiên được, dưới đây là 4 câu hỏi mà các ứng viên nên hỏi trong các cuộc phỏng vấn xin việc để có được một kết quả tốt.
Hỏi về người đã từng làm ở vị trí đó
Câu hỏi: Anh/chị có thể đưa ra ví dụ về những người không phù hợp từng làm vị trí này trước đây được không? Và vì sao họ lại không phù hợp?
Nếu nhà quản lý tuyển dụng mô tả một người có vẻ giống như bạn thì đó là một dấu hiệu rõ ràng rằng bạn nên xem xét lại xem liệu mình có phù hợp với công việc này hay không.
Ngoài ra, hãy cảnh giác với người quản lý đã sa thải nhân viên trước đó bằng cách trích dẫn các lý do không cụ thể. Một vài ví dụ theo kiểu: “Có vẻ như họ rất lười biếng”, hay “tôi không bao giờ biết họ dành thời gian để làm gì”. Đây là những dấu hiệu cảnh báo về một ông chủ có kỹ năng quản lý và lãnh đạo kém.
Khi đi phỏng vấn hãy hỏi về thời gian làm việc trong tuần
Câu hỏi: Anh/ chị mong đợi nhân viên trong vai trò này làm việc bao nhiêu giờ một tuần?
Đối với nhiều người, đây là một chủ đề khó để hỏi vì rất có khả năng người tuyển dụng sẽ hiểu nhầm bạn là một người không siêng năng, chăm chỉ. Bạn sẽ không tạo ấn tượng tốt bằng những người sẵn sàng làm thêm nhiều giờ.
Người quản lý tuyển dụng sẽ đánh giá cao các ứng viên trung thực và tỏ rõ nguyện vọng cá nhân ngay từ ban đầu.
Tuy nhiên, nếu một công ty đang mong đợi bạn làm việc đến 80 tiếng một tuần thì hãy nên cân nhắc vì dường như điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Ví dụ, nếu bạn là người đã có gia đình và có con, cần sự linh hoạt về giờ giấc hãy nói: “Tôi biết mình có thể làm tốt công việc được giao và vị trí này cũng phù hợp với mình nhưng bên cạnh đó việc đón con từ trường vào buổi chiều cũng là trách nhiệm của bạn thân. Tôi đảm bảo sẽ hoàn thành tốt công việc nhưng liệu tôi có thể ra về sớm trước đó hay có một thời gian linh hoạt hơn hay không ?”.
Người quản lý tuyển dụng sẽ đánh giá cao các ứng viên trung thực và tỏ rõ nguyện vọng cá nhân ngay từ ban đầu. Nó tiết kiệm cho cả hai bên rất nhiều thời gian và năng lượng.
Hỏi về chính sách của công ty như thế nào
Câu hỏi: Thông thường, theo chính sách của công ty bao lâu thì các nhân viên được xét tăng lương và điều kiện của chúng là gì?
Thảo luận về mức lương và tiền bạc luôn là vấn đề khó khăn. Hầu hết các ứng viên cố gắng né tránh các câu hỏi như thế này trong quá trình phỏng vấn. Hoặc họ sẽ đợi cho đến sau cùng khi nhận được lời đề nghị hợp tác mới đưa nó lên. Vì vậy, tôi luôn ấn tượng bởi những người không ngại hỏi về điều đó trong giai đoạn đầu.
Tôi vẫn nhớ lần phỏng vấn một ứng viên táo bạo với câu hỏi: “Tôi đang tìm kiếm một công việc mang lại khả năng tài chính cho bản thân. Cho tôi hỏi bao lâu thì nhân viên được xem xét tăng lương và điều kiện để tăng lương dựa trên những yếu tố nào?”
Nếu một nhà tuyển dụng tìm thấy một ứng cử viên mạnh và thực sự muốn ứng viên gia nhập vào đội của mình, họ sẽ thường đưa ra mức lương khởi điểm cạnh tranh từ đầu. Họ thậm chí có thể đưa ra một thỏa thuận tiền thưởng ví dụ như: Nếu bạn đáp ứng được những kỳ vọng [X, Y, Z] trong năm đầu tiên làm việc, bạn sẽ được tăng [X]% lương.
Hỏi về các chương trình đào tạo chuyên sâu
Câu hỏi: Công ty của anh/ chị có các chương trình đào tạo phát triển chuyên sâu không?
Đừng ngại hỏi về các chương trình đào tạo phát triển của công ty.
Khi ai đó hỏi về cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, tôi biết đây là dấu hiệu cho thấy họ có mong muốn phát triển bản thân. Vì vậy, đừng ngại hỏi về các chương trình đào tạo như vậy. Nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng hỗ trợ tài chính một phần hoặc toàn bộ các lớp học chuyên sâu hoặc các chứng chỉ liên quan cho nhân viên.
Tôi luôn đánh giá cao một ứng viên nghĩ về cách họ có thể phát triển thêm kỹ năng của mình hay tìm cách tăng thêm giá trị cho công ty. Dù bạn có tin hay không, nhà tuyển dụng không muốn bạn sẽ ở mãi một vai trò trong công việc; họ muốn thấy bạn phát triển lên một vị trí cấp cao hơn và tiếp tục làm như vậy trong một thời gian dài.
Khi đặt ra những câu hỏi này cho Nhà tuyển dụng không chỉ giúp bạn hiểu hơn về chế độ, chính sách sau này mà còn khiến họ đánh giá cao thái độ và sự quan tâm của bạn đối với vị trí đó. Hãy mạnh dạn hỏi cùng sự tự tin năng lực của mình nhé.
Nguồn bài tham khảo từ: cafebiz.vn