Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và là thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. Thế nhưng, vẫn có những ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ trong dịch bệnh đặc biệt là lĩnh vực y tế. Theo báo cáo về “Cơ hội và chiến lược thị trường toàn cầu chăm sóc sức khỏe đến năm 2022” cho biết, thị trường chăm sóc sức khỏe toàn cầu đã tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,3% kể từ năm 2014 và dự kiến sẽ đạt với mốc 8,9% lên gần 11.908,9 tỷ USD vào năm 2022.
Mới đây, tạp chí Fortune cũng bình chọn ra danh sách Top 10 người phụ nữ quyền lực nhất giới kinh doanh năm 2021. Không có gì ngạc nhiên khi 3 trong số 10 người đều điều hành các công ty lớn về lĩnh vực y tế, 7 người còn lại đã trở thành CEO giữa cuộc khủng hoảng Covid-19.
Vậy họ đã biến thách thức thành cơ hội như thế nào để có bước ngoặt “chuyển mình” trong đại dịch như vậy? Hãy cùng Appota tìm hiểu bài viết dưới đây!
1. Karen Lynch, CEO của CVS Health – Thay đổi cách thức hoạt động
Người đứng đầu trong danh sách là Karen Lynch – Giám đốc điều hành của Tập đoàn chăm sóc sức khỏe toàn cầu CVS Health. Ngay sau khi tiếp quản vào tháng 2/2021, Lynch đã đưa CVS trở thành nhân tố trung tâm trong ứng phó đại dịch Covid-19 ở Hoa Kỳ, biến CVS thành trung tâm xét nghiệm Covid-19 và tiêm vaccine.
Hiện tại, nữ CEO muốn chuyển đổi cách thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của CVS bằng cách chuyển cửa hàng CVS ở khu vực lân cận thành phòng khám sức khỏe.
“Chưa bao giờ mục đích của chúng tôi lại quan trọng như trong thời kỳ Covid-19 chưa từng có này. Cùng với đội ngũ lãnh đạo CVS Health và tất cả các đồng nghiệp, tôi sẽ làm việc để xây dựng nên nền tảng vững chắc và tiếp tục chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng hơn, mang lại kết quả sức khỏe tốt hơn cho người tiêu dùng và cộng đồng của chúng tôi”, Lynch chia sẻ.
Dưới sự lãnh đạo của Karen Lynch, CVS Health chạm đến cuộc sống của hơn 100 triệu người mỗi năm, bao gồm hơn 9.900 hiệu thuốc và hơn 1.000 địa điểm MinuteClinic và HealthHUB. CVS Health cũng phục vụ khoảng 34 triệu người thông qua các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm y tế. CVS Health tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong ứng phó quốc gia đối với Covid-19 thông qua các giải pháp thử nghiệm và quản lý vaccine trên toàn cầu.
Năm 2020, bà được Forbes công nhận là một trong 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới và có tên trong danh sách 100 người chuyển đổi kinh doanh hàng đầu của Business Insider năm 2019.
2. Jane Fraser, CEO của Citi – Đặt lợi ích của nhân viên lên hàng đầu
Jane Fraser là Giám đốc điều hành của Citi – Ngân hàng toàn cầu lớn ngân hàng lớn trên phố Wall, phục vụ hàng triệu người tiêu dùng, doanh nghiệp và tổ chức trên 160 quốc gia và khu vực pháp lý. Bà là nữ CEO đầu tiên trong lịch sử của công ty.
Tại sự kiện FinTech Festival (Singapore) tháng 12/2020, bà Fraser nhấn mạnh về việc đặt lợi ích của nhân viên lên hàng đầu trong đại dịch: “Chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng y tế. Nếu Citigroup không đặt sức khỏe và sự an toàn của nhân viên lên làm đầu cũng như không thấu hiểu cuộc sống của họ, thành thật mà nói tôi nghĩ đội ngũ quản lý của Citigroup làm việc quá tệ”.
Theo CNBC, trong đại dịch COVID-19, ngân hàng hàng đầu Phố Wall này đã cung cấp nhiều hỗ trợ cho nhân viên như các phúc lợi về y tế và chăm sóc trẻ em, nghỉ phép bổ sung và tặng 1.000 USD cho một số nhân viên có thu nhập dưới 60.000 USD/năm.
“Các nhân viên đã đáp lại thành ý của ngân hàng một cách đáng kinh ngạc, vì khi họ hiểu cuộc sống của gia đình được đảm bảo, họ sẽ tập trung và quan tâm khách hàng chu đáo hơn”, bà Fraser lý giải thêm.
3. Julie Sweet, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO của Accenture – Nắm bắt cơ hội và thay đổi
Năm 2020, Julie Sweet được Fortune vinh danh là người người phụ nữ quyền lực nhất trong kinh doanh. Bà là giám đốc điều hành của Accenture (công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu với khả năng hàng đầu về kỹ thuật số, lưu trữ đám mây và bảo mật) và là Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ngày 1/9/2021. Kể từ khi nắm quyền, Sweet đã giúp công ty tăng trưởng doanh thu tới 14%. Sweet đã thành công trong việc điều hành Accenture vượt qua đại dịch, định vị công ty dịch vụ chuyên nghiệp đa quốc gia bằng cách liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với bối cảnh xã hội.
Trong một bài phỏng vấn của Forbes Innovation Rules, Sweet cho biết: “Đại dịch đã thay đổi mạnh mẽ hành vi của người tiêu dùng và cách các doanh nghiệp hoạt động. Trong thời điểm này, để phát triển mạnh mẽ hơn, chỉ có một lựa chọn: nắm lấy cơ hội và thay đổi, nhưng phải đảm bảo rằng nó mang lại lợi ích cho tất cả khách hàng, con người, cổ đông, đối tác và cộng đồng của bạn. Sự thay đổi hình thức kinh doanh mở ra nhiều cơ hội cho cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp. Mặc dù nhiều người không thích điều này nhưng đó là lời cảnh tỉnh để các doanh nghiệp phải hành động nhanh chóng”.
Tháng 10/2021, Sweet công bố dự án “Let there be change” để khẳng định Accenture sẵn sàng thay đổi và khuyến khích khách hàng của họ làm điều tương tự.
4. Carol Tomé, CEO của United Parcel Service (UPS) – Làm ít kiếm nhiều
Tháng 6/2020, bà Carol Tomé đã trở thành nữ CEO đầu tiên điều hành UPS – công ty giao hàng lớn nhất thế giới trong lịch sử 113 năm phát triển. Bà điều hành công ty đúng vào thời kỳ đỉnh điểm của cơn sốt mua sắm trực tuyến vì mọi người không thể ra khỏi nhà do giãn cách xã hội. Ngay lúc đó, bà đã nhìn thấy một tương lai khác đó là phân phối vắc xin trên toàn cầu để hạn chế sự lây lan của COVID-19.
Cách tiếp cận của Tomé là “làm ít kiếm nhiều”. Cụ thể, UPS bắt đầu tập trung vào việc giao hàng có lợi hơn, hủy bỏ một số hợp đồng vận chuyển không còn lợi nhuận, đánh giá khách hàng dựa trên giá trị chứ không phải khối lượng. Công ty cũng mạnh tay tăng giá với các sàn thương mại có khối lượng giao dịch lớn. Trong nhiều năm qua, UPS hoạt động theo triết lý theo đuổi số lượng, nhưng sự xoay chuyển của Tomé dường như đã thành công. Kể từ khi Tomé tiếp quản, kho hàng của UPS đã tăng gần 70% số lượng hàng hóa và tăng 14% doanh số bán hàng so với năm 2019. Cách làm của Tomé cho thấy, không phải lúc nào nhiều hơn cũng là tốt hơn.
5. Mary Barra, CEO của General Motors (GM) – Trao quyền cho nhân viên
Trong một bài phỏng vấn với trang CNN, Mary Barra đã trả lời câu hỏi làm thế nào để điều hành một doanh nghiệp thành công: “Bạn cần đúng người, đúng văn hóa và chiến lược hợp lý. Để thực sự tuyệt vời, công ty của bạn phải có sự đa dạng về ý nghĩ và sẵn sàng cộng tác một cách tích cực”.
Với Barra, văn hóa doanh nghiệp trong công ty là CEO nên trao quyền nhiều hơn và truyền cảm hứng cho mọi người để họ không ngừng theo đuổi mục tiêu của công ty một cách toàn vẹn.
“Tại General Motors, chúng tôi sống và làm việc theo một bộ các quy tắc nhất đình và một trong số đó có tên gọi là “Innovate Now” (tạm dịch: Đổi mới ngay và luôn). Chính vì vậy, chúng tôi trao quyền cho các nhóm để họ có thể tư duy một cách đổi mới, sáng tạo và đồng thời hiểu được xu hướng vĩ mô”, bà Barra nói thêm.
6. Rosalind Brewer, CEO Walgreens Boots Alliance – Chú trọng vào khách hàng
Walgreens Boots Alliance là công ty hàng đầu thế giới về bán lẻ và bán buôn dược phẩm, phân phối thuốc, nền tảng kỹ thuật số và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Mục đích của WBA là giúp mọi người trên khắp thế giới có cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Brewer từng chia sẻ: “Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe không ngừng phát triển và tôi rất vui mừng được làm việc nhóm cùng với toàn bộ đội ngũ WBA khi chúng tôi mang lại sự đổi mới hơn nữa và tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên khắp thế giới mỗi ngày. Điều này còn đặc biệt hơn vì hiện tại công ty đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại đại dịch COVID-19”.
Walgreens đã trích dẫn: “Bà Brewer luôn không ngừng tập trung vào khách hàng, phát triển chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe bằng hình thức trực tuyến”.
7. Gail Broudreaux, Chủ tịch kiêm CEO Anthem – Giúp đỡ nhiều người nhất có thể
Năm 2017, bà Boudreaux được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Anthem, một trong những công ty bảo hiểm sức khỏe lớn nhất ở Mỹ. Trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ, dưới sự dẫn dắt của Boudreaux, cổ phiếu của công ty đã tăng 20%. Năm 2020, bà đứng thứ 10 trong danh sách 100 nhân vật quyền lực nhất thế giới được Forbes vinh danh.
Trang tin Money Inc chuyên viết về kinh doanh cho biết: “Một trong những lý do khiến Broudreaux hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt này là vì cô ấy đã thấy những điều tốt đẹp nó làm cho mọi người khi họ không thể có được bảo hiểm để trang trải chăm sóc sức khỏe mà họ cần. Như vậy, cô ấy đã thực hiện mục tiêu cá nhân của mình để đảm bảo rằng có nhiều người nhận được sự giúp đỡ mà họ cần và họ nhận được nó càng nhanh càng tốt”.
8. Abigail Johnson, Chủ tịch kiêm CEO của Fidelity Investments – Sẵn sàng đối đầu với mọi thử thách
Abigail Pierrepont Johnson là Chủ tịch kiêm CEO của công ty đầu tư Mỹ Fidelity Investments (FMR), và cũng là Chủ tịch của công ty quốc tế Fidelity International (FIL). Được vận hành theo kiểu cha truyền con nối, không ít người từng nghi ngờ năng lực của bà vào thời điểm nhậm chức. Chỉ sau 2 năm, Abigail Johnson đã xây dựng thành công Fidelity thành một “đế chế” kinh tế bậc nhất phố Wall.
Nữ tỷ phú sở hữu 16,5 tỷ USD từng chia sẻ: “Bất kể chức vụ của bạn trong công ty cao đến thế nào, việc bạn đang làm có tốt đến đâu thì công việc cũng không bao giờ kết thúc. Mỗi ngày bạn thức dậy và thế giới xung quanh lại thay đổi, khách hàng mỗi lúc lại yêu cầu cao hơn. Đối thủ cạnh tranh thì không ngừng tạo áp lực lên bạn bằng những bước đi mới và cố gắng hạ gục bạn mọi lúc mọi nơi”. Do đó, bà luôn sẵn sàng cho mọi thử thách, vì theo bà, để góp phần đưa tổ chức của mình tiến lên thì “mỗi ngày bạn phải thức dậy với nguồn năng lượng mới đi cùng hàng loạt ý tưởng sáng tạo”.
9. Ruth Porat, Phó chủ tịch cấp cao kiêm CFO của Alphabet – Quyết tâm theo đuổi mục tiêu
Ruth Porat là giám đốc tài chính của Alphabet (trước là Google), người nắm trong tay quyền quản lý khối tiền mặt trị giá 67,5 tỷ USD. Ngay những ngày đầu tiên nhận lời làm Giám đốc tài chính, bà Porat lập tức tìm hiểu về tầm nhìn của mình trong việc thay đổi cấu trúc tập đoàn và nói đây sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Chỉ sau 3 tháng khi bà Porat nhận nhiệm vụ, bà tuyên bố thành lập nên Alphabet. Google trở thành một chi nhánh của Alphabet và bao gồm những mảng kinh doanh nhỏ hơn như tìm kiếm, Nest và Fiber.
Alphabet hiện công bố doanh thu và lợi nhuận thành 2 mảng gồm: Google và Other Bets. Riêng Google bao gồm mảng kinh doanh quảng cáo, dịch vụ điện toán đám mây và Android. Trong quý thứ 2 của năm đầu tiên Porat nhận nhiệm vụ, mảng này chiếm tới 99,1% tổng doanh thu 21,5 tỷ USD của Alphabet, Other Bets chỉ chiếm 0,9%.
Theo nhận định của một nhân viên Google thì: “Ruth dễ gần và ấm áp nhưng bà ấy cũng rất quyết tâm theo đuổi những gì mình mong muốn và không ngại đưa ra những câu hỏi thẳng”.
10. Thasunda Brown Duckett, Chủ tịch kiêm CEO TIAA – Con người làm trung tâm
Bà Duckett được biết đến là một trong những giám đốc điều hành người gốc Phi nổi tiếng nhất Phố Wall và đang là quản lý cấp cao của JPMorgan Chase, phụ trách giám sát mạng lưới ngân hàng có lượng tiền gửi trị giá 600 tỷ USD và 40.000 nhân viên.
Bà Duckett luôn lấy con người làm trung tâm để phát triển kinh doanh, đặc biệt là người da màu. Bà là nhà tài trợ chương trình “Advancing Black Pathways” của JPMorgan Chase, một sáng kiến tập trung vào việc giúp người Mỹ da màu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giáo dục và cơ hội nghề nghiệp với cộng đồng da trắng. Bà cũng từng lãnh đạo Ủy ban Sáng kiến “Women on the Move” để cung cấp tri thức giáo dục tài chính cho phụ nữ, cũng như các cơ hội nghề nghiệp và kinh doanh. Với tầm nhìn và chiến lược, bà đã mở rộng chi nhánh lớn đầu tiên của Chase trong 10 năm để thêm 400 chi nhánh mới.