Trong chương trình “Khởi nghiệp cùng Công nghệ thông tin” hôm 20/5 tại Hà Nội đã nêu bật lên: Hiện có khoảng 1.500 Startup Việt, trong đó các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có con số vượt trội hơn nhiều.
Khởi nghiệp cùng công nghệ thông tin đang phát triển tại Việt Nam
Đó là thông tin được ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết tại Chương trình Giao lưu Khởi nghiệp 2016. Chương trình với chủ đề “Khởi nghiệp cùng Công nghệ thông tin” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại chiều 20/5 tại Hà Nội.
Theo ông Phòng, đây là lĩnh vực đầy tiềm năng, tạo điều kiện để cho các bạn trẻ được học hỏi, cọ xát và xu hướng khởi nghiệp từ công nghệ thông tin đang ngày càng tăng.
Ông Phòng cho biết, thực tế đã có một số dự án khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp vừa qua đã được áp dụng triển khai vào thực tiễn và đạt được nhiều kết quả tích cực. Vì thế việc được tăng cường giao lưu, học hỏi trực tiếp từ các doanh nhân đã hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ giúp các Start up có điều kiện sớm triển khai các ý tưởng sáng tạo của mình, thúc đẩy tư duy năng động để sớm hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh và phát triển sản phẩm sáng tạo bằng công nghệ thông tin.
Hơn nữa Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới trong nhóm nước đang phát triển có số người sử dụng Internet lớn hơn một nửa dân số, là nước đứng đầu về phát triển ứng dụng app mobile.
Startup lĩnh vực công nghệ thông tin cần làm những gì?
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT khẳng định Việt Nam hiện đang có khoảng 1.500 doanh nghiệp Startup, trong đó doanh nghiệp công nghệ thông tin có con số vượt trội hơn so với các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác. “Đây là những tiềm năng rất lớn để cộng đồng Startup Việt Nam phát triển và nắm bắt cơ hội để nhanh chóng bắt kip với trào lưu số hóa nhanh chóng của thế giới. Bởi cơ hội cho những người chậm chân là ngày càng ít hơn rất nhiều”
Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP MISA cũng chia sẻ kinh nghiệm để chuẩn bị khởi nghiệp, các Startup phải biết lập kế hoạch kinh doanh, được cố vấn phản biện về ý tưởng, biết cách thuyết phục và tìm nhà đầu tư để gọi vốn, biết thủ tục pháp lý để thành lập doanh nghiệp và biết cách tổ chức doanh nghiệp để hoạt động.
Theo đề xuất của ông Long, để hỗ trợ và khuyến khích các Startup, Nhà nước nên thành lập các vườn ươm công nghệ và cho phép có 5 nhân sự trở xuống được sử dụng miễn phí sàn làm việc và thuê thiết bị văn phòng với giá vốn trong vòng 3 năm. Sau 3 năm, nếu doanh nghiệp có số lượng nhân sự tăng nhưng không quá 20 người, thì vẫn được tiếp tục chính sách; không phát triển hoặc phát triển quá quy mô như trên thì bắt buộc phải chuyển ra ngoài.
Bên cạnh đó, vườn ươm công nghệ cũng nên cho phép các Startup trong khu được sử dụng miễn phí các máy móc đắt tiền để thử nghiệm hoặc thí nghiệm công nghệ; thuê các hệ thống máy chủ với mức giá vốn.
“Nếu cần người đầu tư bảo trợ và giúp đỡ để làm sản phẩm, các bạn sinh viên có thể tìm đến Hội đồng tư vấn khởi nghiệp Vinasa; tìm đến các công ty lớn về công nghệ thông tin của Việt Nam như FPT, MISA; quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp của Nhà nước”, ông Long gửi lời nhắn nhủ tới cộng đồng khởi nghiệp.
Còn bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Việt Nam Silicon Valley, đơn vị đã và đang triển khai Đề án “Hệ sinh thái thung lũng Silicon tại Việt nam” cho biết, đề án công nghệ sinh thái khởi nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt. “Sau khi Chính phủ phê duyệt sẽ có một phần kinh phí để đầu tư cho các dự án khởi nghiệp có tiềm năng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể lên website của chương trình để tìm hiểu thông tin cụ thể về đề án này”, bà Anh cho biết.
Để có thể thành công thì các Startup cần rất nhiều điều kiện, yếu tố từ bên trong hay bên ngoài tác động nhất là các Startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tham khảo: news.zing.vn