Rạng sáng 10-2, trò chơi Flappy Bird đã chính thức bị gỡ khỏi kho ứng dụng di động Apple Store và Google Play, đúng như tuyên bố trước đó trên Twiter của chàng trai Nguyễn Hà Đông. Câu chuyện về ‘chú chim ngu’ trở thành kỷ niệm với cộng đồng mạng, nhưng sẽ là bài học cho những cá nhân, doanh nghiệp muốn ‘vươn ra biển lớn’.
Hai nguyên nhân quyết định của Nguyễn Hà Đông được nói đến nhiều nhất là vấn đề bản quyền, pháp lý và áp lực từ giới truyền thông. ‘Chú chim ngu’ từ một game được viết ngẫu hứng bỗng trở nên nổi tiếng toàn cầu, nhưng chính bản thân Đông không lường hết được những vấn đề xung quanh nó.
Trong trường hợp của Nguyễn Hà Đông, điều đó có thể “thông cảm được” vì mục đích Flappy Bird không phải là trở thành một game triệu đô. Sự thành công đến với Đông là bất ngờ.
Tuy nhiên, cuộc chơi bản quyền, nhất là khi một sản phẩm muốn ‘vươn ra biển lớn’ không đơn giản một chút nào.
Theo chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long, bất cứ một sản phẩm nào muốn đưa ra thị trường quốc tế thì phải quan tâm đến vấn đề bản quyền và rất nhiều vấn đề khác. “Nếu am hiểu sâu sắc về luật bản quyền và biết chắc Flappy Bird có thể thu về doanh thu quảng cáo 1 tỷ đồng mỗi ngày, chắc Hà Đông không tiếc vài trăm ngàn hay vài triệu đồng để mua bản quyền nhạc, hình, font chữ từ khi game chưa được phát hành”.
“Có khoảng 6 file audio âm thanh được sử dụng trong game Flappy Bird, 2 kiểu font chữ khác nhau và một số hình ảnh. Tất cả các loại content này đều có thể bị đòi tiền nếu Nguyễn Hà Đông không phải chủ thể quyền, hoặc chưa mua đủ quyền sử dụng.
File audio trong game Flappy Bird chỉ có 2 quyền là quyền ghi âm (tạo ra âm thanh dạng điện tử) và quyền tác giả (ký âm tạo ra giai điệu). Quyền ghi âm sẽ được IFPI là Hiệp hội công nghiệp ghi âm Quốc tế thay mặt chủ quyền thực hiện cảnh báo và kiện cáo. Còn quyền tác giả sẽ được IFRRO là Liên hiệp quốc tế các tổ chức quyền sao chép “gõ đầu”.
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, cho dù game đã bị gỡ xuống nhưng nếu có sự vi phạm bản quyền thì khả năng bị kiện là vẫn có. Việc kiện bồi thường căn cứ trên thời gian sử dụng chứ không phải căn cứ vào việc gỡ hay không gỡ. Và cho dù trước đó game có được nâng cấp để thay font mới, chèn nhạc có bản quyền, bỏ hình ảnh ống-cống-xanh của Nintendo thì ‘chạy đâu cũng không thoát. Các chủ thể quyền đã có trong tay đầy đủ bằng chứng cả để bắt chủ game phải bồi thường (thông qua các tiết lộ của Hà Đông với truyền thông quốc tế như CNN, Forbes…).
Câu chuyện của Flappy Bird chính là một bài học khi chúng ta muốn “ra biển lớn”. Một sản phẩm tốt luôn có cơ hội bình đẳng và không phải quá lo lắng về chi phí truyền thông xã hội. Nhưng để vươn ra thị trường quốc tế, cần ‘trang bị, tìm hiểu những kiến thức, luật chơi toàn cầu để mình tránh những rắc rối có thể có, không chỉ là vấn đề bản quyền mà còn nhiều vấn đề khác như phân biệt chủng tộc, kì thị văn hoá, ngược đãi động vật, vi phạm quyền của LGBT…”. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ kiến thức, thủ tục, đương đi nước bước từ các cơ quan quản lý, Nguyễn Ngọc Long cho biết.
Về áp lực truyền thông, chuyên gia này cho rằng “khi bạn có sản phẩm nổi tiếng hoặc cá nhân bạn trở nên nổi tiếng thì mặc nhiên bạn phải chấp nhận sự soi mói của giới truyền thông”.
Trường hợp Nguyễn Hà Đông, nếu vẫn tiếp tục công việc yêu thích là lập trình game thì trong tương lai Đông vẫn sẽ gặp những chuyện tương tự. Việc có chấp nhận được hay không thì cần phải xem bản lĩnh của Đông đến đâu.
Theo báo Người đưa tin