ICTnews – Theo những người đang làm game di động trong nước, những game di động do Việt Nam sản xuất hoàn toàn không thua kém thế giới.
Những thăng trầm và cú hích Flappy Bird
Tại Hội nghị Vietnam Mobile Day 2014 được tổ chức ngày 17/5 ở Hà Nội, sự phát triển của việc sản xuất game di động tại Việt Nam đã được những người trong ngành mổ xẻ rất kỹ lưỡng.
Theo ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Tofu Games, những tháng đầu năm 2013 được xem là thời điểm vô cùng khó khăn cho những người sản xuất game di động trong nước. Sự phát triển ảm đạm của thị trường cùng sự chuyển dịch của điện thoại phổ thông sang smartphone khiến nhiều studio đóng cửa như VTC Game, nhiều công ty cắt giảm nhân sự… Lúc này các nhà phát hành cũng không tin tưởng các sản phẩm game trong nước sản xuất nên cũng không có sự phối hợp. Chính vì thế trong năm 2013 chỉ có 5 game di động do trong nước sản xuất, còn lại 47 game đều nhập từ nước ngoài về phát hành.
Flappy Bird đã tạo cú hích cho việc sản xuất game di động Việt Nam. |
Ông Hà Trung Hiếu, đại diện SohaGame chia sẻ, việc sản xuất game di động của các studio trong nước hay các lập trinh viên từ đầu đến giữa năm 2013 gặp rất nhiều khó khăn do không nắm được xu hướng cộng đồng, không có sự phối hợp chặt chẽ với nhà phát hành. Bên cạnh đó, đa số vẫn làm vì đam mê là chính.
Ông Trần Vinh Quang, Giám đốc điều hành Appota cũng đồng tình với các quan điểm trên, theo ông nửa đầu năm 2013 việc sản xuất game chỉ là khởi đầu, các studio hay lập trình viên đều thiếu kinh nghiệm. Những khó khăn về việc lựa chọn hướng đi cũng khiến nhiều người làm game di động phân vân, không ít studio phải đóng cửa vì xác định sai xu hướng.
Phải đến cuối năm 2013 và đầu năm 2014, mọi chuyện mới thay đổi, đặc biệt là sự xuất hiện game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông đã tạo ra một cú hích rất lớn về sản xuất game di động trong nước. Lúc đó thế giới mới biết đến trình độ sản xuất game tại Việt Nam cũng như sự quan tâm của cả truyền thông lẫn cơ quan quản lý nhà nước về ngành này.
Ngoài ra, việc SohaGame phối hợp với Emobi Games sản xuất game Đại Minh Chủ dành cho smartphone và phát hành thành công, Joy Entertainment cho ra đời game Chiến Binh CS hay VNG đưa Khu Vườn Trên Mây lên smartphone… khiến cho việc sản xuất game di động tại Việt Nam bước sang một trang mới. Hàng loạt studio cũ hoạt động trở lại, nhiều studio mới ra đời hay các lập trình viên tự do chuyển sang làm game nhiều hơn. Kết quả là xuất hiện rất nhiều sản phẩm game có chất lượng như School Cheater, Jump& Jump, Freaking Math, Thần Thoại… không thua kém gì các game di động trên thế giới, kể cả các game đến từ Trung Quốc.
Jump&Jump cũng là một sản phẩm Việt ấn tượng trên di động. |
Bên cạnh Nguyễn Hà Đông, một số doanh nghiệp sản xuất game di động cũng phát triển mạnh mẽ ở thị trường thế giới như DIVMOB và nhiều doanh nghiệp phát hành cũng bắt đầu đưa game trong nước phát hành ra quốc tế như SohaGame với Thần Thoại hay mạng xã hội game Onclan của Appota…
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Mặc dù bắt đầu có những bước tiến mạnh mẽ vào cuối năm 2013 và đặc biệt là đầu năm 2014, chất lượng sản phẩm không thua quốc tế nhưng việc sản xuất game trên di động tại Việt Nam muốn phát triển mạnh mẽ và lâu dài còn rất nhiều việc phải làm.
Theo các doanh nghiệp game, khó khăn lớn nhất đó là việc định hướng cho sản phẩm của mình khi phát hành ra thị trường cả trong nước lẫn nước ngoài. Cụ thể, đa số các studio hay các lập trình viên khi làm game tại Việt Nam hiện nay đều không định hướng được cộng đồng trong nước cần cái gì và xu hướng chơi game như thế nào, game làm ra sẽ phát hành ra sao… Để khắc phục vấn đề này phải có sự giúp đỡ và phối hợp với các nhà phát hành trong nước.
Sản xuất game cho thị trường quốc tế cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi nhà sản xuất và nhà phát hành tại Việt Nam đều không có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, thị trường các nước lại khác nhau, đòi hỏi game phải có sự thay đổi về bối cảnh, cách chơi, thói quen, thiết bị…
Một vấn đề quan trọng nữa là nhân sự làm game di động Việt Nam chưa có nguồn đào tạo chính quy, các lập trình viên đa số chuyển từ web sang làm game, đồ họa cũng tương tự. Do đó, việc đào tạo nhân lực phát triển game cần được tổ chức một cách chuyên nghiệp và chính quy hơn, các studio có kinh nghiệm nên phối hợp với các trường để mở ra những lớp đào tạo nhân lực chất lượng cho ngành game.
Tài chính cũng là một thách thức lớn, muốn phát triển một game cần thời gian dài và số tiền ban đầu bỏ ra rất lớn. Một trong những cách để khắc phục khó khăn này, theo đại diện các doanh nghiệp như SohaGame, Tofu Game hay Appota là các studio nên kết hợp với nhà phát hành để được họ hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất game.
Theo ICTNews