Tứ trụ làng game Việt, từ hoàng hôn đến ánh bình minh...

(infogame.vn) – Khi thị hiếu người dùng có sự chuyển dịch theo hu hướng mới, vị thế của bộ tứ mới cũng đã dần được định hình trên thị trường cũng như trong nhận định của người dùng.

Với những game thủ thế hệ 8x, khái niệm tứ trụ làng game Việt có lẽ không quá xa lạ. Đặc biệt ở thời điểm những năm 2005-2010, điều này càng thể hiện rõ hơn khi trên thị trường vẫn tồn tại nhiều nhà phát hành lớn cả về quy mô và tiềm lực. Họ đã từng bước tự khẳng định vị thế hàng đầu bởi những sản phẩm chất lượng, cũng như dịch vụ nhận được sự đánh giá cao từ phía cộng đồng.

Thời điểm đó, VNG (tiền thân là VinaGame) – FPT Online – Asiasoft – VTC Game đều sở hữu nhiều dự án chiến lược. Từ Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế hay MU Online, Thiên Long Bát Bộ, Granado Espada (Bá Chủ Thế Giới), Atlantica Online cho đến Cabal, GunBound, Tam Quốc Chí và Audition, Đột Kích…, đó đều là những tượng đài tên tuổi gắn liền với nhiều thế hệ game thủ.

 

VNG vẫn tiếp tục duy trì phong độ qua thời gian

Khi ấy, mảnh đất màu mỡ tại thị trường game Việt còn rất nhiều phân khúc chưa được khai phá triệt để. Bên cạnh những NPH hàng đầu, bức tranh đa màu sắc của làng game lại được tô điểm bởi nhiều cái tên cũng ấn tượng không kém như SaigonTel, VDC-Net2E, Quang Minh DEC (hiện tại là Deco)..Đáng tiếc, cùng với sự biến thiên của thời gian, đã có không ít nhà phát hành mới lộ diện và cũng nhanh chóng mất dấu trước sự cạnh tranh khốc liệt và thị hiếu thay đổi chóng mặt của người dùng.

Dễ dàng kể ra hàng chục nhà phát hành và cổng game thế hệ kế nhiệm như: Vigo, MeCorp, NCT, FGame,TTV Online, SohaGame, Sgame, Funtap, GTS, Vega, Sunsoft,VGG, Gosu, VTC Zone, VTC Mobile, HOPE, SLG… nhưng quá nửa trong số đó đã rơi rớt, không còn đủ sức trụ lại đến thời điểm hiện tại. Và cũng chính từ đó, tứ trụ làng game thủa nào cũng dần dần bị thay thế, khi những “người em út” trở mình minh chứng tiềm lực hùng hậu cũng như chiến lược hợp lý, để rồi họ đã thực sự thành công…

Trong khi VTC Game ngày một tụt hậu so với các Nhà phát hành top đầu

Trong suốt 1 thập kỷ, sự phát triển vượt bậc của công nghệ kéo theo những trào lưu mới liên tục được cập nhật. Các tựa game online cũng trở nên đa dạng hơn về nền tảng, phong phú về thể loại, không còn bị phụ thuộc bởi thiết bị của người dùng. Cuộc chạy đua có phần nước rút này khiến cho nhiều tên tuổi trở nên phai mờ và nhanh chóng lụi tàn. Cho đến hiện tại, bộ tứ thủa nào chỉ còn lại VNG vẫn duy trì phong độ và tiếp tục khẳng định vị trí số 1, trong khi VTC Game đang có những bước tiến khá chậm, nếu không muốn nói đã tụt hậu trong suốt một thời gian dài tại thị trường trong nước.

Có thời điểm, một số nhà phát hành như Saigontel, Vigo, Fgame hay TTV Online cũng từng sánh vai với những ông lớn và chẳng chịu kém cạnh về doanh thu. Trong đó, aMO (Fgame) và SOMO (TTV Online) là 2 cổng game có những bước tiến cực kỳ thần tốc khi xu hướng webgame trên trình duyệt đổ bộ thị trường. Chỉ tiếc, thời thế chưa bao giờ chiều lòng người…

Liên Minh Huyền Thoại với những giải đấu tầm cỡ vẫn là sản phẩm chủ lực của VE bên cạnh Liên Quân Mobile hay Fifa Online 4…

Bên cạnh họ, còn 2 cái tên khác không đề cập ở danh sách kể trên là VE (Garena) và Gamota . Đây chính là những nhân tố mới góp phần cho tứ trụ giai đoạn sau này. Dù xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2009 nhưng mãi cho tới khi Liên Minh Huyền Thoại trở nên phổ biến, Vietnam Esports mới được biết đến rộng rãi. Trên thực tế, nhà phát hành này cũng từng gặp khá nhiều khó khăn khi dấn thân vào thị trường ở giai đoạn ban đầu. Bởi Chiến Thần (sau này là Liên Minh Huyền Thoại) khi đó còn chưa thể thay đổi thị hiếu người chơi một cách tức thời, nhất là khi khái niệm thể thao điện tử còn quá xa lạ với game thủ Việt. Còn hiện tại, thành công của Vietnam Esports không còn là điều phải nghi ngờ.

Ở một hướng đi khác, Gamota ban đầu cũng lựa chọn khá nhiều sản phẩm thuộc dòng nhập vai truyền thống. Không ít trong số đó đã thành công và đặt nền móng vững chắc cho thương hiệu trẻ này. Là một trong số những startup công nghệ điển hình nhanh chóng gặt gái nhiều thành công, hàng loạt tựa game mới vừa ra mắt gần đây cho thấy hướng đi chính xác của nhà phát hành, khi đặt những bước chân đầu tiên thâu tóm thị phần thể thao điện tử đang trở thành xu hướng.

Dù là thế hệ kế nhiệm, Appota với hệ sinh thái đa dạng đang hậu thuẫn đắc lực để Gamota từng bước khẳng định vị thế trên thị trường…

Với AoG – Đấu Trường Vinh Quang, Survival Heroes hay trước đó là Vainglory, hệ sinh thái của Appota sở hữu những thế mạnh nhất định, là bước đệm đầy tiềm lực vững chắc cho Gamota bước lên vị trí mới, ngang tầm với các nhà phát hành hàng đầu trong nước. Dù chậm nhưng chắc, Gamota vẫn đang tiếp tục chứng minh con đường mình đi là đúng, cũng như họ xứng đáng từ những thành quả đã được ghi nhận.

Có lẽ, xu hướng thể thao điện tử chính là nội dung quyết định chỗ đứng của bộ tứ mới, bao gồm VNG, VTC Game, VE và Gamota. Trong khi đó, VTC Mobile cũng từng có thời gian khá dài để định hình chiến lược với nhiều dự án như Huyền Thoại MOBA, Truy Kích và Tập Kích…nhưng chưa thực sự thành công và để lại ấn tượng mạnh mẽ. Ngược lại, vẫn trung thành với hướng đi từ thủa ban đầu, cả SohaGame hay Funtap vẫn sẽ là những đối thủ đáng gờm và rất có thể họ sẽ là những người bứt phá để “đá bay” một thương hiệu chậm tiến nào đó, để gia nhập tứ trụ làng game trong thời gian tới. Điều đó rất dễ dàng có thể xảy ra…

_Theo báo infogame_