Ngày nay, sự phát triển của các dịch vụ và ứng dụng ví điện tử đang hướng mỗi chúng ta tới một kỷ nguyên mới của một thế giới “không tiền mặt”, khi các giao dịch thanh toán chỉ được thực hiện qua một giao dịch nhỏ trên chính thiết bị điện thoại di động của mình. Sự phát triển này cũng đang khuyến khích mọi doanh nghiệp ưu tiên sử dụng các loại ví điện tử.
Mọi sự thay đổi mới này đều đang xoay chuyển các doanh nghiệp và mỗi khách hàng qua một “thế giới số hóa hơn”. Việc sử dụng các phương pháp thanh toán điện tử sẽ trở thành một lựa chọn để tiết kiệm thời gian, quản lý giảm chi phí, v.v.
Vậy thì, khái niệm ví điện tử là gì?
Ví điện tử là tài khoản online, cơ chế của ví điện tử giống như tên gọi của nó thì nó cũng giống như một “chiếc ví”, ví điện tử có chức năng giúp bạn thanh toán các đơn hàng, hóa đơn mua sắm. Bên cạnh việc thanh toán trực tuyến khi mua hàng online, một số ví điện tử có kết hợp tính năng quét mã QR cũng giúp bạn thanh toán tại các cửa hàng. Đây là một phương thức thanh toán đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và giúp bạn quản lý chi tiêu tốt hơn.Một số loại ví điện tử phổ biến trong nước như: MoMo, ViMo, TiMo, AirPay, AppotaPay, Moca, WePay,… hay các ví điện tử quốc tế phổ biến có thể kể đến là PayPal, AlertPay, WebMoney, Liqpay, Moneybookers….
Những tính năng của ví điện tử có thể được kể đến như:
- Đặt hàng trước: Khách hàng không muốn chờ xếp hàng, họ cũng không muốn chờ hóa đơn. Tùy chọn đặt hàng trả trước cho khách hàng là tính năng bắt buộc phải có đối với bất kỳ ví di động nào. Ứng dụng ví điện tử cũng cần lưu giữ lịch sử thời gian thực chính xác cho mỗi giao dịch.
- Chấp nhận mọi hình thức thanh toán: Ví di động phải hỗ trợ tất cả các hình thức thanh toán kỹ thuật số. Cho dù đó là bitcoin, ACH, tín dụng hay ghi nợ, hãy sẵn sàng chấp nhận bất kỳ hình thức thanh toán nào khách hàng lựa chọn.
- Tích hợp với tất cả phần mềm: Có khoảng 187 triệu điện thoại thông minh được sử dụng ở Hoa Kỳ nhưng chỉ có 25 triệu thiết bị có phần mềm hoàn thành giao dịch Apple Pay, Samsung Pay hoặc Android Pay. Do đó, doanh nghiệp cần chấp nhận ví di động bất kể loại thiết bị nào của khách hàng. Điều cuối cùng doanh nghiệp muốn làm chính là từ chối một khách hàng tiềm năng vì loại điện thoại mà họ có.
- Bao gồm Điểm trung thành và Phần thưởng: Ứng dụng phải tích hợp các gói khách hàng thân thiết và thẻ quà tặng hiện có, cho phép khách hàng kiếm được điểm và thưởng với mỗi lần giao dịch. Điều này sẽ khiến khách hàng quay trở lại với ví điện tử nhiều lần.
- Nâng cao trải nghiệm của khách hàng: Trước tiên hãy nhìn vào trải nghiệm khách hàng tổng thể. Khách hàng sẽ mong đợi các doanh nghiệp cải tiến phần mềm để cải thiện trải nghiệm mua sắm trong tương lai.
Các xu hướng ví điện tử cho năm 2022 sẽ là gì?
- Ví tiền điện tử (Ví tiền ảo), hay Ví Crypto
Hiện nay, tiền điện tử đang đem lại cho mỗi người dùng một lợi nhuận kỷ lục. Ví tiền ảo hay ví tiền điện tử là một ứng dụng phần mềm hay một thiết bị phần cứng được sử dụng để lưu trữ tài sản kỹ thuật số. Tiền kỹ thuật số sẽ không được lưu trữ trực tiếp trong ví của bạn mà thực chất ví điện tử lưu thông tin về các khóa công khai, khóa cá nhân. Sử dụng các khóa này, bạn có thể gửi và nhận tiền điện tử một cách an toàn. Việc thanh toán bằng tiền ảo sẽ giúp người dùng không phải chịu phí giao dịch cao, vì không có bên thứ ba nào tham gia. Chỉ có các chi phí của mạng liên quan đến giao dịch được thực hiện.
Các ví Tiền điện tử này là các chương trình phần mềm lưu trữ cả khóa công khai và khóa riêng tư của người dùng, sau đó thực hiện giao dịch với tất cả các blockchains có sẵn. Với sự trợ giúp của tính năng này, người dùng có thể dễ dàng theo dõi số dư của mình, chuyển tiền hoặc tiến hành các thao tác tiếp theo.
Nhiều người sẽ rất dễ nhầm tưởng rằng ví tiền ảo dùng để lưu trữ tiền điện tử. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không chính xác. Thực chất tiền ảo được lưu trữ trên blockchain riêng của mỗi đồng tiền. Ví tiền ảo là một chương trình phần mềm hoặc thiết bị được thiết kế để tương tác với blockchain của đồng tiền đó. Ví tiền ảo sẽ làm nhiệm vụ lưu trữ các khóa riêng tư, khóa công khai của người sở hữu và giao diện blockchain để có thể dễ dàng theo dõi các biến động số dư từ ví. Ngoài ra, ví tiền ảo cũng cho phép bạn gửi tiền và thực hiện các hoạt động khác.
Nếu bạn nhận được một số lượng tiền ảo bất kì. Điều này có nghĩa, người gửi đăng ký kết quyền sở hữu số tiền đó đối với địa chỉ ví của bạn. Để giao dịch được thành công, khóa riêng tư của người gửi phải trùng khớp với địa chỉ ví công khai. Lúc này, số dư trong ví của bạn sẽ tăng lên và lượng tiền ảo của người gửi tự động giảm xuống. Thông tin giao dịch được hiển thị dưới dạng bảng ghi lên blockchain.
2. VoicePay – thanh toán bằng giọng nói bằng việc áp dụng công nghệ AI
“VoicePay là một giải pháp hướng tới việc sử dụng giọng nói thay cho các thao tác “chạm” trong giao dịch thanh toán”, ông Lại Quang Tùng của Inter ITS cho biết. Thay vì cần phải sử dụng phím bấm của điện thoại, máy tính, cây ATM hay máy POS, người dùng chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói để thực hiện giao dịch thanh toán hoặc chuyển khoản. Trong VoicePay, hệ thống đóng vai trò như một người thừa hành, nhận mệnh lệnh từ người dùng và thực thi tự động, đồng thời phản hồi lại hoàn toàn bằng tương tác ngôn ngữ. Thực chất, VoicePay là giải pháp thanh toán sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI), giúp người dùng thanh toán bằng giọng nói (Voice payment) thông qua ứng dụng trên thiết bị di động hay cuộc gọi thoại thông thường. Hiện phương thức thanh toán bằng giọng nói đang được nhiều nước ứng dụng thực tế.
Sự gia tăng của các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với nhu cầu về một dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật chính là lý do ra đời ý tưởng VoicePay. Hiện nay, các giao dịch thanh toán và chuyển khoản đang được thực hiện phổ biến trên nền tảng website và điện thoại di động. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy ứng dụng các giao dịch thanh toán không tiếp xúc này. Không chỉ trong thời gian đại dịch, mà khi cuộc sống đã trở lại bình thường, thanh toán không tiếp xúc, không dùng tiền mặt cũng sẽ trở thành xu hướng.
Các nhà phát triển cho biết với việc tích hợp công nghệ xác thực giọng nói đang “hot” hiện nay giúp VoicePay ngăn chặn tối đa các cuộc tấn công của kẻ xấu vào hệ thống thanh toán. VoicePay yêu cầu người dùng phải xác thực mã OTP ngẫu nhiên khi giao dịch và chỉ khi mã OTP chính xác cộng với giọng nói của người dùng trùng khớp các đặc điểm sinh trắc học với giọng đã được đăng ký, giao dịch mới được thực hiện.
3. NFC – Thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động
Trong vài năm gần đây, thanh toán NFC đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. NFC được tích hợp trên hầu hết các máy POS “cà thẻ”, nên việc phổ cập công nghệ này không phải chuyện khó khăn. NFC là viết tắt của Near-Field Communications – chuẩn kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn. Công nghệ này hoạt động dựa trên cảm ứng từ trường để kết nối các thiết bị có hỗ trợ NFC được đặt gần nhau (dưới 4 cm) hoặc tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên thông thường để tăng hiệu quả kết nối, người ta thường để các thiết bị tiếp xúc trực tiếp với nhau. Cụ thể, khi 2 thiết bị NFC được chạm vào nhau, gần như ngay lập tức sẽ có một kết nối được hình thành mà không cần thêm bất kì một khai báo nào nữa.
Ở Việt Nam hiếm người sử dụng loại hình thanh toán này, song ở các nước phát triển đây là một hình thức phổ biến. Cụ thể, điện thoại của bạn sau khi đăng nhập, kích hoạt tài khoản sẽ trở thành một chiếc “ví tiền điện tử”. Lúc này, khi cần thanh toán, mua vé, đi xe buýt có thanh toán thẻ… bạn chỉ cần chạm nhẹ điện thoại vào thiết bị thanh toán và giao dịch sẽ hình thành.
4. Thanh toán bằng xác thực sinh trắc học
Thanh toán bằng công nghệ nhận diện và xác thực sinh trắc học sẽ không còn là “đặc quyền” phát triển riêng của các ông lớn công nghệ mà ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Một điều rất thú vị là thanh toán bằng xác thực sinh trắc học cũng sẽ không chỉ tập trung như một phương tiện hỗ trợ giao dịch cho các tổ chức, định chế tài chính hàng đầu như ngân hàng, mà sẽ ngày càng phổ biến ở cả những giao dịch siêu nhỏ, cho các nhu cầu trả tiền các sản phẩm, dịch vụ trong sinh hoạt hàng ngày.
Cũng theo ghi nhận từ thực tế chung, trong lĩnh vực thanh toán số, thanh toán điện tử ngày càng được nâng cao và được người dùng Việt Nam sử dụng thuần thục, tự nhiên, xu hướng thanh toán qua quét mã QR Code cũng đang ngày càng phổ biến.
Mỗi người có một đặc điểm sinh học duy nhất. Dữ liệu sinh trắc học của từng cá nhân với đặc điểm khuôn mặt, ảnh chụp võng mạc, giọng nói sẽ được kết hợp với nhau bằng phần mềm để tạo ra mật khẩu dành cho những giao dịch điện tử, phương thức đó là “công nghệ sinh trắc”. Việc xác thực bằng Sinh Trắc Học (xác thực bằng vân tay Touch ID hoặc xác thực bằng gương mặt Face ID) để hoàn tất giao dịch đang dần trở nên phổ biến thay vì dùng mã PIN hoặc mật khẩu như trước đây. Mọi thanh toán của bạn sẽ nhanh chóng, tiện lợi và đặc biệt là an toàn hơn bao giờ hết. Tính năng này còn là một giải pháp tối ưu giúp khách hàng không phải “khổ sở” khi mà hàng đã chất đầy giỏ mà vẫn không nhớ nổi mật khẩu để xác nhận thanh toán.