Tổng thống Obama đã đặc biệt khen ngợi mô hình khởi nghiệp co-working space dành cho các start-up tại TP HCM. Đây được xem như là một bước phát triển mới, là mô hình kinh doanh khá mới mẻ hiện nay.
Nếu Bill Gates hay Steve Jobs khởi nghiệp trong nhà kho của gia đình thì ngày nay các bạn trẻ làm start-up tại TP Hồ Chí Minh đã có thể làm việc trong các co-working space ngay tại trung tâm thành phố.
Không gian khởi nghiệp (co-working space) đang phát triển tại TPHCM
Trong chuyến thăm Việt Na của Tổng thống Obama, một trong những điểm đến gây ấn tượng với người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ là Dreamplex – không gian khởi nghiệp (co-working space) tại TP HCM dành cho các start-up. Ngài đã có hơn 2 giờ để tham quan, trò chuyện với các doanh nhân trẻ tại đây và không quên dành tặng lời khen cho một không gian hữu ích này.
Các co-working space đang là mô hình kinh doanh khá mới mẻ nhưng cũng rất sôi động tại TP HCM, nơi được coi là một trong những trung tâm start-up lớn của Đông Nam Á. Khái niệm co-working space được xem như là một bước phát triển từ văn phòng truyền thống và văn phòng cho thuê. Thông thường các tập đoàn lớn, tài chính mạnh sẽ tự xây dựng các toà nhà làm văn phòng cho mình. Các công ty nhỏ hơn thì có thể thuê văn phòng dịch vụ. Trong khi đó, các start-up lại thường chọn co-working space vì quy mô nhỏ. Bởi một công ty chỉ có 5-6 người đi thuê văn phòng sẽ rất lãng phí. Ngoài ra, với start-up, sẽ có những giai đoạn khi kêu gọi được vốn đầu tư sẽ phát triển vũ bão, từ 3-4 người có thể lên 10-20 người trong vài tháng nên mô hình văn phòng truyền thống thật sự không phù hợp.
Tại TP HCM hiện có khá nhiều co-working space với quy mô khác nhau và đa phần tập trung ở quận 1, như: Start, WORK Saigon, Citihub, TheVentures, Dreamplex… với diện tích trung bình trên dưới 1.000m2. Giá thuê chỗ tại đây không tính theo mét vuông như văn phòng truyền thống mà tuỳ theo quy mô và nhu cầu sử dụng sẽ có những gói khác nhau.
Tìm hiểu mô hình co-working space
Cùng tìm hiểu về những đặc điểm của mô hình co-working space hiện nay có những ưu điểm gì mà lại khiến các Startup nhỏ ưu ái đến như vậy nhé.
Cấu trúc của co-working space
Các co-working space thường sẽ được chia làm hai khu vực. Thứ nhất là khu vực làm việc chung (open space), nơi mà các thành viên của tất cả các công ty có thể ngồi xen kẽ, nói chuyện với nhau thoải mái. Thậm chí, các start-up còn có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và tìm cơ hội hợp tác với nhau. Thứ hai là các studio với phòng làm việc, phòng họp riêng… nhiều kích cỡ cho 4 đến 30 người, thậm chí lên tới 100 người tuỳ theo quy mô của start-up.
Đối tượng sử dụng co-working space
Các start-up đang làm việc tại đây phần lớn là về công nghệ, cụ thể là các phần mềm, ứng dụng giáo dục, tài chính… Ngoài ra cũng có các lĩnh vực khác như đầu tư, marketing… Các tổ chức phi chính phủ cũng lập văn phòng tại đây. Nhiều công ty ở đây đại diện cho các mô hình kinh doanh mới, với quy mô toàn cầu nhưng chỉ tuyển dụng vài người mỗi nước, hoạt động gần như 24/7 và doanh thu lên đến hàng triệu USD mỗi tháng.
Anh Linh Hoàng, đồng sáng lập viên của Circo cho biết: “Ưu điểm của co-working space là các công ty sẽ không phải tốn bất kỳ chi phí nào ngoài chi phí thuê hàng tháng, thời gian cho thuê linh động. Tất cả chi phí về điện, nước, bảo vệ, internet… đều nằm trong các gói cho thuê. Mô hình co-working space còn có thể linh hoạt sắp xếp lại không gian tuỳ theo sự phát triển của start-up, điều mà văn phòng truyền thống không thể làm được.
co-working space đề cao tính cộng đồng
Điểm quan trọng nhất mà các co-working space mang lại đó là tính cộng đồng. Hàng tuần, tại các co-working space đều có những sự kiện, hoạt động giao lưu, giới thiệu sản phẩm, ý tưởng… Chính vì là không gian mở nên các ý tưởng có thể được lan truyền, góp ý và cải thiện gần như ngay lập tức bởi không có gì ngăn cản các thành viên trong co-working space giao tiếp với nhau, dù họ không cùng công ty hoặc cùng ngành.
Ngoài ra, các bạn trẻ start-up cũng hành xử rất chuyên nghiệp trong các co-working space. Không có chuyện ăn cắp ý tưởng, hay gây mất trật tự. Tuy là không gian mở nhưng những quyền riêng tư và lịch sự tối thiểu đều được tôn trọng triệt để, như không ăn uống trong khu vực làm việc, không nói chuyện ồn ào, bảo quản các trang thiết bị dùng chung…
Tuy nhiên, mô hình co-working space này lại không hoàn hảo cho mọi phương diện của một start-up bởi tính bảo mật chưa được cao và một vài yếu tố khác. Nhưng dẫu sao đây cũng là một mô hình mới để cho các Startup bắt đầu sự nghiệp của mình trong giai đoạn đầu tiên.
Tham khảo: kinhdoanh.vnexpress.net