Marketing lan truyền là một phương pháp để truyền thông cho sản phẩm, dịch vụ. Vậy chúng ta nên hiểu như thế nào cho đúng và đầy đủ nhất?
Theo ThS. Thái Phúc Gia Hưng – nhà sáng lập Cộng đồng Marketing lan truyền Việt Nam ViralContentsAZ chia sẻ.
Marketing lan truyền là phương pháp marketing tạo ra nội dung có khả năng lan truyền bằng cách thu hút nhiều người chia sẻ, lan tỏa nội dung ra cộng đồng theo cấp số nhân. Cách này tạo cảm hứng để mọi người chuyền nhau thông điệp của sản phẩm, dịch vụ.
Marketing lan truyền: Tập trung vào khách hàng mục tiêu
So với phương pháp marketing truyền thống, marketing lan truyền có ưu điểm dễ tiếp cận nhiều người hơn nhờ vào nội dung thông minh, có sức thu hút. Hình thức lan truyền có thể đến từ các video clip, game flash tương tác, game quảng cáo (advergame), ebook, phần mềm tùy biến thương hiệu (brandable software), hình ảnh, tin nhắn văn bản, email, website, các sự kiện hoặc cuộc thi gây chú ý.
Một chiến dịch marketing lan truyền được xem là thành công khi tạo cho người xem cảm giác thích thú mà thông điệp đưa ra và sau đó lan truyền chúng một cách vô thức thông qua việc gửi đường dẫn, đăng blog…
Và nhiệm vụ của người làm marketing là truyền thông đúng với cam kết thương hiệu. “Người tiêu dùng rất thông minh. Bạn có thể dùng “chiêu trò” marketing để thu hút khách hàng trong thời gian đầu, nhưng một khi phát hiện ra nội dung quảng cáo sai sự thật, họ sẽ quay lưng với sản phẩm của bạn ngay”, ông Anh khuyến cáo. Chưa kể, những nội dung quảng cáo có tính dễ dãi thường chỉ thu hút sự tò mò của những người xem nhỏ tuổi và ít nhận được sự quan tâm từ khách hàng mục tiêu.
Việc xuất hiện những “biến tướng” trên cũng cho thấy có không ít doanh nghiệp hiện nay chưa hiểu đúng về hình thức marketing này. Dù việc đưa ra nội dung gây sốc, phản cảm dễ thu hút sự chú ý của cộng đồng nhưng “nó giống như mì ăn liền, ăn riết đâm ra ngán, và cũng chỉ thoảng qua trong khoảng thời gian ngắn”, ông Anh ví von. Do đó, để lan truyền thông điệp hiệu quả, hình thức marketing được sử dụng cần nhất quán với sản phẩm. “Ban đầu, chúng có thể hơi “lép vế” so với những cách làm biến tướng kia, nhưng về lâu dài sẽ đi vào trái tim của người tiêu dùng và dễ dàng thuyết phục được họ”, ông Anh nói.
Các hình thức trong Marketing lan truyền
Hiện có 5 hình thức lan truyền được sử dụng phổ biến, gồm: chuyển tiếp (tin nhắn chuyển cho nhau thường đặt cuối email), tin đồn truyền miệng (người nổi tiếng nói về sản phẩm, dịch vụ thường với mục đích cố ý gây tranh cãi), lan truyền có thưởng (kêu gọi cộng đồng chia sẻ để nhận thưởng), quảng cáo bất ngờ (người xem bất ngờ vì nội dung quảng cáo), lan truyền tự phát (người dùng tự kêu gọi nhau tham gia trào lưu, tuyên truyền).
Nguyên lý 80/20 trong Marketing lan truyền
Một thông điệp marketing nên dành 80% nội dung cho mục đích giải trí, 20% nói về thương hiệu phục vụ cho việc bán hàng.
Người làm marketing giỏi luôn nắm được tâm lý của khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng, từ đó đưa ra thông điệp thích hợp. Theo ông Hưng, một trong những phương pháp marketing dễ tiếp cận khách hàng Việt Nam nhất hiện nay là cung cấp những giá trị hữu ích và ưu tiên giải quyết vấn đề của họ.
Bên cạnh đó, người Việt Nam vốn có nhu cầu giải trí khá cao, do đó doanh nghiệp nên đáp ứng nhu cầu giải trí của khách hàng, sau đó mới tìm cách giải quyết vấn đề của họ và bán sản phẩm. “Một thông điệp marketing nên dành 80% nội dung phục vụ cho mục đích giải trí, 20% còn lại nói về thương hiệu phục vụ cho việc bán hàng”, ông Hưng nói.
Âm nhạc chỉ là một trong 6 yếu tố nâng đỡ giúp tăng tính hấp dẫn cho nội dung lan truyền. Việc tránh đề cập thương hiệu cũng là một cách làm “khôn ngoan” giúp khách hàng không thấy chán ghét hoặc thẳng tay chặn quảng cáo. Ngoài ra, hình thức tạo ra những thử thách (xối nước đá, ăn mì cay, hít đất 22 cái…) cũng tạo nên sự lan truyền tự phát mạnh mẽ.
Các Marketer hãy vận dụng phương pháp này cho đúng và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Có như thế mới đạt hiệu quả cao được.
Tham khảo: brandsvietnam