Muốn việc đề xuất tăng lương được chấp nhận: Áp dụng 13 kỹ năng sau

Nếu bạn có ý định sẽ đề xuất tăng lương với cấp trên nhưng vẫn còn e ngại thì hãy tham khảo ngay 13 kỹ năng cực kỳ cần thiết bên dưới đây nhé.

Chủ động ngay, đừng trì hoãn

Nếu bạn cảm thấy sự đóng góp cũng như năng lực bản thân xứng đáng được tăng lương, hãy chủ động gặp sếp để nói chuyện. Bởi lẽ, sự rề rà sẽ khiến bạn mất tự tin và dần dần không còn đủ động lực để đề xuất tăng lương nữa. Quan trọng hơn, việc trì hoãn quá lâu còn tác động tới chất lượng của buổi đàm phán và khả năng thuyết phục sếp của bạn.

Muốn việc đề xuất tăng lương được chấp nhận: Áp dụng 13 kỹ năng sau 1

Chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng

Chẳng có vị sếp nào lại muốn tăng lương cho một người thiếu tự tin và trình bày vấn đề một cách ấp úng, không rõ ràng cả. Thậm chí, việc không chuẩn bị những điều cần nói có thể còn khiến lãnh đạo nghĩ rằng bạn không hề nghiêm túc. Do vậy, trước khi đề nghị tăng lương, hãy rà soát lại năng lực và thành tích của bạn, đối chiếu với các yêu cầu của công ty, vạch ra các ý chính cần trình bày và tốt nhất, hãy tập luyện trước khi chính thức đối diện với sếp.

Kiên định với mục tiêu chính

Nếu bạn nhấn mạnh lý do mình được tăng lương là nhờ thành tích xuất sắc trong một dự án hay nhiệm vụ nào đó, hãy bám sát lấy chúng. Đừng cố gắng mở rộng ra các công việc khác mà bạn chẳng có lấy một chút đóng góp nào nổi bật. Điều này sẽ làm phản tác dụng với ý định ban đầu của mình đấy.

Đặt trước lịch hẹn với sếp

Đặt trước lịch hẹn với sếp sẽ rất thuận lợi cho bạn cả trong việc lựa chọn địa điểm, chuẩn bị cũng như đảm bảo thời gian. Có được một lịch hẹn với sếp khi đó sếp hoàn toàn chuyên tâm vào cuộc trò chuyện với bạn mà không bị ảnh hưởng bởi các công việc khác.

Thành thật với thành tích bạn đang có

Liệt kê các thành tích nổi bật của bạn là điều rất tốt nhưng đừng xuyên tạc hay phóng đại sai sự thật. Đồng thời, đừng bao giờ kể ra những lời đề nghị về một mức lương hấp dẫn từ một công ty khác nhằm thể hiện cái “giá” của mình. Một vị sếp tài ba sẽ chẳng bao giờ bị các chiêu trò này đánh lừa mình đâu.

Muốn việc đề xuất tăng lương được chấp nhận: Áp dụng 13 kỹ năng sau 2

Căn cứ vào thực tế

Đừng nghĩ rằng nếu sếp đã chấp nhận lời đề nghị tăng lương thì bạn có thể tùy ý đưa ra mức tăng bạn muốn. Bởi lẽ, việc đòi hỏi quá cao sẽ khiến sếp nghĩ rằng bạn đang quá tự tin với năng lực của mình và tất nhiên, với một mức tăng quá thấp, bạn cũng không hề thoải mái. Do vậy, hãy nghiên cứu kỹ trước khi quyết định đưa ra con số cụ thể.

Đề xuất tăng lương thì nên tập trung vào bản thân

Hãy nhớ bạn đang đề xuất tăng lương cho chính mình chứ không phải ai khác. Do vậy, đừng đề cập tới thành tích của bạn bè, so sánh hay dẫn chứng bất cứ một ai cả. Điều này chỉ mất thời gian và không hiệu quả.

Đừng hạ thấp mình nếu lời đề nghị bị từ chối

Một khi đã quyết định đề xuất tăng lương, hãy quyết đoán và đừng hạ thấp mình chỉ để dẫn chứng rằng bạn có thể hiểu nếu như lời đề nghị tăng lương bị từ chối.

Kiềm chế cảm xúc

Đừng phô trương thành tích bằng giọng điệu kiêu ngạo, khí thế hay chứng tỏ năng lực bản thân bằng ngôn ngữ cử chỉ quá sỗ sàng. Thay vào đó, hãy bình tĩnh, điềm đạm để bắt đầu trình bày vấn đề của bạn.

Không đề cập tới tình hình tài chính của công ty

Bạn đang đề nghị tăng lương dựa vào năng lực và thành tích thực sự của bạn chứ không phải do công ty đang làm ăn thuận lợi. Thế nên, đừng bao giờ đề cập tới tài chính của công ty nếu bạn muốn sếp đồng ý đề xuất.

Trang phục phù hợp

Mặc dù đây không phải là yếu tố tác động nhiều nhưng việc lựa chọn một bộ trang phục phù hợp trong cuộc hẹn với sếp cũng là cách để bạn gây ấn tượng tốt đẹp.

Tâm trạng thoải mái

Mục tiêu của bạn là được tăng lương nhưng cũng đừng quá kỳ vọng để khiến bản thân bị áp lực hay tỏ ra quá hờ hững. Luôn luôn giữ một tâm trạng thoải mái là chìa khóa để bạn có được buổi đàm phán lương thành công.

Sẵn sàng thỏa hiệp

Muốn việc đề xuất tăng lương được chấp nhận: Áp dụng 13 kỹ năng sau 3

Sẽ có trường hợp sếp chỉ tăng lương nếu bạn chấp nhận một điều kiện hoặc phải hoàn thành một yêu cầu nào đó. Hãy sẵn sàng với thử thách này vì đây chính là đòn bẩy để bạn đạt được mục đích mong muốn và cũng là cơ hội để bạn bước qua vùng an toàn của bản thân.

Thẳng thắn, thành thật, khéo léo, tự tin, kiên định, tôn trọng, kiềm chế cảm xúc…. giúp bạn có thêm động lực để xin đề xuất tăng lương. Chúc bạn thành công!

Nguồn bài tham khảo từ: cafebiz.vn