Sếp của bạn đề xuất một sáng kiến mới mà bạn nghĩ sẽ không có hiệu quả. Cấp trên của bạn phác thảo một thời gian biểu cho dự án mà bạn nghĩ là không thực tế. Bạn sẽ nói gì khi bạn không đồng ý với người có quyền lực hơn bạn? Làm thế nào để bạn quyết định liệu mình có nên nói điều này hay không? Và nếu có, chính xác là bạn nên nói những gì?
Điều các chuyên gia nói
Bản chất tự nhiên của con người là luôn tránh né sự không đồng tình với người cấp trên của mình. Cơ thể của chúng ta sinh ra là để sinh tồn, vì vậy trong đầu chúng ta luôn mặc định không được lao vào các tình huống có thể gây hại cho mình. Trọng tâm của sự lo lắng là chắc chắn những điều tiêu cực sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ ngay lập tức nghĩ rằng: “Anh ta sẽ không thích tôi”, “Cô ấy sẽ nghĩ rằng tôi là một cái gai trong mắt” hoặc thậm chí có nhiều người sẽ nghĩ “Tôi sẽ bị đuổi việc mất”. Mặc dù “chắc chắn người ta sẽ dễ dàng đồng ý hơn” nhưng không phải lúc nào đồng ý cũng là việc nên làm. Dưới đây là cách từ chối một người có nhiều quyền lực hơn bạn.
Nhìn vào thực tế của những rủi ro
Hầu hết trường hợp một ai đó muốn lên tiếng đều liên quan đến chuyện rủi ro. Bản chất tự nhiên của loài người là luôn tưởng tượng đến những điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra ngay từ khi mới bắt đầu. Ban đầu cấp trên của bạn có thể ngạc nhiên và hơi khó chịu. Nhưng rất có thể bạn sẽ không bị đuổi việc hoặc trở thành kẻ thù cả đời. Trước tiên bạn nên xem xét những rủi ro của việc không lên tiếng – có lẽ dự án sẽ bị chệch khỏi đường ray hoặc nhóm của bạn sẽ không còn tin tưởng bạn nữa – sau đó hãy nhìn vào thực tế và cân nhắc những hậu quả tiềm tàng của việc hành động.
Quyết định có nên chờ hay không
Sau khi đánh giá rủi ro này, bạn có thể từ từ nói lên ý kiến của mình. Nếu bạn nghĩ người khác cũng sẽ không đồng ý, bạn nên tập hợp lại và bàn họp với mọi người trước. Mọi người có thể cho bạn kinh nghiệm hoặc bạn sẽ có thêm một số thông tin cần thiết – tất cả những điều sẽ làm cho sự bất đồng trở nên mạnh mẽ hơn hoặc có giá trị hơn. Trì hoãn cuộc trò chuyện nếu bạn đang ở trong một cuộc họp hoặc không gian công cộng khác là một ý kiến tốt. Thảo luận về vấn đề ở nơi riêng tư sẽ khiến người có quyền lực cảm thấy ít bị đe doạ hơn.
Xác định mục tiêu chung
Trước khi bạn chia sẻ suy nghĩ của mình, hãy nghĩ về những gì người có quyền quan tâm – đó có thể là niềm tin của nhóm hoặc hoàn thành một dự án đúng thời hạn. Người ta sẽ lắng nghe bạn nhiều hơn nếu bạn có thể liên kết sự bất đồng của mình với “mục đích cao hơn” của người khác. Khi bạn lên tiếng, đừng tự cho rằng liên kết của bạn đã rõ ràng. Bạn nên tuyên bố một cách công khai, bối cảnh hoá các tuyên bố của mình để chứng tỏ rằng mình không phải chỉ đang tỏ vẻ không đồng ý mà là đang muốn hướng đến một mục tiêu chung. Cuộc thảo luận sau đó sẽ trở thành một trò chơi cờ vua giống như một trận đấu cờ vua hơn là một trận đấu quyền anh.
Xin phép không đồng ý
Bước này nghe có vẻ quá nguy hiểm nhưng đó là một cách thông minh để mang lại cho người có quyền “tâm lý an toàn” và sự kiểm soát. Bạn có thể nói một cái gì đó như: “Tôi biết chúng ta cần phải đạt được mục tiêu trong quý đầu tiên. Nhưng tôi có lý do khi nghĩ rằng cách này không hiệu quả. Tôi muốn đưa ra lý luận của mình. Được không ạ?” Điều này mang lại cho người nghe một sự lựa chọn, “cho phép họ nói lên ý kiến của mình”. Và, giả sử họ nói “được thôi”, thì bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi nói lên sự bất đồng của mình.
Bình tĩnh
Bạn có thể cảm thấy tim mình đập thình thịch hoặc mặt bạn đỏ lên, nhưng hãy làm bất cứ điều gì bạn có thể để giữ trung lập trong cả lời nói và hành động của mình. Khi ngôn ngữ cơ thể của bạn truyền đạt sự miễn cưỡng hoặc lo lắng, nó sẽ không thể hiện hết được thông điệp. Hãy hít thở sâu, nói chậm hơn và có chủ ý hơn. Khi chúng ta cảm thấy hoảng loạn, chúng ta có xu hướng nói to hơn và nhanh hơn. Bạn không muốn tiếng của bạn trở nên như tiếng chuột hoặc nghe như tiếng thì thầm đúng không, nhưng bạn chỉ cần nói với tốc độ chậm và với giọng điệu phù hợp, giúp người khác bình tĩnh lại và chính bạn cũng được bình tĩnh. Điều đó cũng giúp bạn có vẻ tự tin, ngay cả khi bạn không tự tin.
Xác định điểm mấu chốt
Sau khi bạn nhận được sự cho phép, hãy nói rõ quan điểm của người ta. Ý tưởng, ý kiến hoặc đề xuất mà bạn không đồng ý là gì? Nói rõ quan điểm người ta ra, thậm chí bạn có thể nói tốt hơn cả chính người nói ra câu đó, tạo nền tảng vững chắc cho cuộc thảo luận. Chắc chắn bạn sẽ muốn nghe câu “Tôi hiểu rồi” từ đối phương, bạn sẽ không muốn hai người cãi nhau chỉ vì không hiểu ý nhau đúng không?
Không phán xét
Khi thể hiện mối quan tâm của mình, hãy để ý ngôn ngữ của bạn. Tránh dùng những từ ngữ phán xét, chẳng hạn như “tầm nhìn thiển cận”, “ngu dại”, “hấp tấp”, những từ đó có thể khiến cấp trên của bạn thất vọng. Đừng dùng tính từ, bởi vì họ có khả năng bị hiểu sai hoặc tự suy diễn theo ý mình. Chỉ chia sẻ sự thật. Ví dụ, thay vì nói “Tôi nghĩ deadline của quý đầu tiên hơi nực cười”, bạn có thể nói “Chúng tôi đã thử 4 cái dự án như này rồi, và chúng tôi chỉ có thể hoàn thành được 2 dự án với thời gian tương tự, nhưng 2 dự án đó là những trường hợp đặc biệt”. Bạn cũng nên giữ thái độ trung lập và tập trung. Giảm bớt từ rườm rà và làm rõ vấn đề này. Cố gắng biến nó thành một sự bất đồng trung thực, một tư tưởng đáng giá.
Khiêm tốn
Nhấn mạnh rằng bạn đưa ra ý kiến của bạn, có thể đó là một ý kiến được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng nó vẫn là một ý kiến. Thay vì nói điều gì đó như “Nếu chúng ta đặt ra thời hạn cuối quý, chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện được” thì hãy nói “Chỉ là ý kiến của tôi, nhưng mà tôi thấy có vẻ chúng ta sẽ không làm kịp deadline”. Luôn gợi cho người nghe rằng đây chỉ là quan điểm của bạn, và sau đó mời người ta phê bình. Bạn hãy thử “Hãy nói cho tôi biết tôi đã sai ở đâu nhé”. Hãy thực sự cởi mở để lắng nghe ý kiến khác.
Công nhận thẩm quyền của họ
Cuối cùng, người nắm quyền có lẽ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng, vì vậy hãy thừa nhận điều đó. Bạn có thể nói “Tôi biết quyền quyết định là thuộc về bạn. Hoàn toàn tuỳ bạn”. Điều đó sẽ không chỉ cho thấy rằng bạn biết vị trí của mình mà còn nhắc nhở họ rằng họ có lựa chọn. Mặc dù vậy, đừng quay lưng với ý kiến của bạn hoặc ủng hộ những điều sai trái. “Bạn muốn thể hiện sự tôn trọng với người đó tuy nhiên cũng phải duy trì sự tự tôn của chính mình”.
Nguyên tắc cần phải nhớ
Nên:
- Giải thích rằng bạn có ý kiến khác và hỏi xem bạn có thể nói ra ý kiến đó không.
- Nhắc lại quan điểm hoặc quyết định ban đầu để chứng tỏ rằng bạn hiểu vấn đề.
- Nói chậm – nói với giọng bình thường làm dịu bạn và người khác.
Không nên:
- Tự cho rằng việc không đồng ý sẽ làm hỏng mối quan hệ hoặc sự nghiệp của bạn – hậu quả thường ít nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ.
- Nêu ý kiến của bạn như thể nó là một sự thật; chỉ đơn giản là bày tỏ quan điểm của bạn và cởi mở để đối thoại.
- Sử dụng các từ phán xét, chẳng hạn như “hấp tấp”, “khờ khạo” hoặc “sai”, nó có thể kích động cấp trên của bạn.
Tham khảo tại: Cafebiz.vn