Huy động vốn – Cánh cửa nào mở cho startup Việt?

Tuy tồn tại khá nhiều quỹ hộ trợ, khoản đầu tư riêng cho doanh nghiệp startup nhưng để tiếp cận và huy động vốn vẫn là một điều không dễ dàng với các doanh nhân Việt trẻ.

Gian nan vì vốn

Từng có thời điểm, công nghệ là một trong những lĩnh vực “nở rộ” các startup trẻ và đầu tư mạnh. Tuy nhiên, khá nhiều câu chuyện tương tự như của Công ty Kỹ thuật Novas (Đà Nẵng) chuyên sản xuất đèn led chiếu sáng cho tàu đánh cá đã được ghi nhận.

Thực tế, sau vài năm khởi nghiệp thì đến nay, hầu như họ vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ nào. Anh Nguyễn Nam Hải (Phó Giám đốc) cho biết “toàn bộ vốn của công ty là do các thành viên quản trị góp và đem tài sản cá nhân đi làm thủ tục vay vốn từ ngân hàng với lãi suất không hề ưu đãi…”

huy-dong-von-canh-cua-nao-mo-cho-startup-viet-1

Câu chuyện khởi nghiệp của Novas cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Thống kê từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy hơn 80% vốn cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp là tiền tiết kiệm cá nhân hoặc huy động từ bạn bè và gia đình. Điều này có nghĩa là đa số các doanh nhân trẻ thường không có bệ đỡ vững chắc về tài chính và để khởi nghiệp, họ thường phải dốc tiền để đánh những “canh bạc liều”.

Theo nhận định của các chuyên gia MobiBiz.vn, vấn đề hàng đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp chính là vốn. Vào tháng 10 vừa qua, trong chủ đề “Huy động và sử dụng vốn” được cộng đồng này khởi xướng, câu hỏi được gửi đến xin tư vấn hầu như tập trung xung quanh vấn đề kêu gọi vốn, tiếp cận nhà đầu tư cũng như các thủ tục để được nhận hỗ trợ vốn.

Ông Mai Duy Quang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) – cho biết một nghịch lý hiện nay tại Việt Nam, đó là “sẵn vốn triệu đô nhưng lại thiếu vốn nhỏ cỡ từ chục ngàn USD đầu tư cho startup”. Các khoản đầu tư nhỏ ban đầu (thường gọi là vốn mồi) thì rất ít, lực lượng sẵn sàng đầu tư “vốn mồi” là những nhà đầu tư mạo hiểm cho startup lại chưa nhiều. Nguồn vốn này tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng do mang yếu tố quyết định, thúc đẩy ban đầu cho các startup có thêm cơ hội tiếp cận thị trường từ ý tưởng của mình.

Cánh cửa vẫn mở

Điều may mắn là hiện tại, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, vẫn có khá nhiều nhà đầu tư dồn vốn cho startup tại Việt Nam. Một ví dụ tiêu biểu là quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Silicon Valley là 500 Startups (doanh nhân Bình Trần đại diện tại Việt Nam) đã lập một quỹ 10 triệu USD trong năm 2016 để đầu tư vào từ 100 – 150 doanh nghiệp khởi nghiệp.

huy-dong-von-canh-cua-nao-mo-cho-startup-viet-2

Hay như vào tháng 9/2016, Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV đang tìm kiếm 10 startup để đầu tư cho mỗi startup từ 15.000 USD, đồng thời hỗ trợ kết nối với hơn 100 doanh nhân, cố vấn, các nhà đầu tư đến từ Facebook, IBM, FPT, Dragon Capital Group, BIDV, Hanwha, Golden Gate…

Theo các chuyên gia MobiBiz.vn, nguồn vốn ít không có nghĩa là khan hiếm đến mức không thể tiếp cận được. Vì thế, các startup cần chủ động trong việc nắm bắt thông tin về vốn và trang bị kỹ năng cần thiết khi tiếp cận nhà đầu tư.

Nếu đang chuẩn bị cho lần tìm kiếm nhà đầu tư đầu tiên, doanh nghiệp nên tích cực tham gia các diễn đàn khởi nghiệp để tham khảo các mẫu câu hỏi, chuẩn bị tâm lý, trọng tâm câu trả lời cũng như xác định trước những vấn đề về thủ tục nhận hỗ trợ.

Theo Cafef