Những vấn đề sau được xem là nguyên nhân chính khiến nhiều khởi nghiệp thất bại. Nhận thức được điều này và tìm giải pháp khắc phục là cách làm sáng suốt nhất
1. Đề cao lợi nhuận lên trên lợi ích khách hàng
Đây là lý do khiến rất nhiều khởi nghiệp thất bại. Khi có được những khách hàng đầu tiên, không nên quá tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến khách hàng. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc đảm bảo lợi ích cao nhất cho khách hàng để có thể duy trì được mô hình kinh doanh.
Doanh nghiệp tuân theo điều này không có nghĩa là từ chối hay bỏ qua cơ hội kiếm tiền. Nhưng có điều nên nhớ rằng, nếu không có khách hàng thì tất cả những mô hình kinh doanh hoàn hảo nhất cũng trở nên vô giá trị.
2. Tầm nhìn hạn chế
Nếu như chỉ tạo ra sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho một số lượng nhỏ khách hàng thì chắc chắn khởi nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho giai đoạn phát triển sau. Hãy luôn nhớ mục tiêu là tạo ra sản phẩm cho nhiều người sử dụng và việc xây dựng sản phẩm trong giai đoạn nào đi nữa đều phải hướng đến mục tiêu này.
3. Dựa dẫm nhiều vào việc đi thuê
Rõ ràng, khởi nghiệp phải đi thuê đơn vị bên ngoài để phát triển sản phẩm, marketing v.v.. nếu không đủ khả năng. Nhưng không nên quá phụ thuộc vào những đối tác bên ngoài, Xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng sẽ giúp bản thân khởi nghiệp có thể tạo ra trực tiếp được sản phẩm và chủ động kiểm soát chất lượng những sản phẩm đó.
4. Trì hoãn việc ra mắt sản phẩm.
Có thể nói, không có sản phẩm nào là hoàn hảo. Khởi nghiệp không nên dành tất cả thời gian để cố gắng tạo ra một sản phẩm hoàn thiện nhất. Trong giai đoạn đầu tiên, nên tập trung vào việc tạo ra những tính năng cơ bản nhất của một sản phẩm và làm cho nó hoạt động tốt. Sau đó nhanh chóng đưa ra thị trường, đón nhận phản hổi và tiếp tục chỉnh sửa trong những lần tiếp theo.
5. Không thích nghi được khi thị trường thay đổi
Thị trường luôn thay đổi, thị hiếu của khách hàng luôn thay đổi. Vì vậy, khởi nghiệp cần học cách thích nghi trước mỗi sự thay đổi mà không nên quá lệ thuộc vào những mô hình kinh doanh hoặc cách thức hoạt động. Điều này không có nghĩa khởi nghiệp phải thay đổi hoàn toàn doanh nghiệp, thay vào đó, thường xuyên nghiên cứu thị trường cũng như nhu cầu của khách hàng để có những biện pháp phù hợp.
6. Không tối ưu hóa các nguồn lực
Hầu hết khởi nghiệp tại Việt Nam bắt đầu khi nắm trong tay những nguồn lực rất hạn chế. Khi đó, những người lãnh đạo phải lên danh sách những mục công việc cần giải quyết và có chiến lược phân bổ nguồn lực hợp lý. Trong quá trình phát triển, luôn tối ưu nguồn lực hiện tại và tìm kiếm thêm những nguồn lực mới cho những giai đoạn sau.
7. Làm marketing không hiệu quả
Khâu marketing là khâu rất quan trọng. Cho dù sản phẩm có tốt đến mấy cũng rất khó đến được với số lượng lớn khách hàng nếu như làm marketing không tốt. Có rất nhiều cách để làm marketing hiệu quả với số tiền không quá lớn. Khởi nghiệp cần xây dựng chiến lược marketing dài hạn cho sản phẩm và thực hiện những chiến dịch với nhiều quy mô khác nhau trên tất cả các kênh miễn phí cũng như trả phí. Sau mỗi chiến dịch, nên có sự đo lường tính hiệu quả để cải thiện chất lượng trong những chiến dịch sau.
Theo ICTNews