“Vấn đề là đã có các doanh nghiệp Việt ‘start’ rồi, thậm chí đã ‘up’ rồi, nhưng toàn bộ thành tựu đó không thể vào được Việt Nam”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia
Tại buổi toạ đàm “Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia” diễn ra vào chiều 30/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ rằng trong điều kiện nền kinh tế thế giới phát triển theo hướng chia sẻ, dữ liệu lớn, giải quyết các vấn đề nóng như năng lượng, sức khoẻ…, các doanh nghiệp Việt Nam lại không dám nhận mình là một phần của thế giới. Cũng từ đó, cách nghĩ, cách làm của doanh nghiệp Việt hiện chỉ hướng vào thị trường trong nước, thay vì vươn ra tầm thế giới.
Phó thủ tướng cũng chia sẻ thêm: “Người Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng khi gặp một ý tưởng thường đặt ra quá nhiều câu hỏi, mà quên đi việc cổ vũ nó. Trong khi với người châu Âu, họ trước hết sẽ cổ vũ ý tưởng này, tạo động lực và cơ hội để ý tưởng đó đưa vào thực tiễn. Đây không phải là câu chuyện tự tin hay tự ti, mà là vấn đề về lối nghĩ”
Tính kết nối trong cộng đồng startup Việt Nam hiện còn rất ít nên xảy ra hiện tượng mỗi người riêng lẻ làm rất tốt, nhưng không có liên kết trong một hệ sinh thái chung. Phó thủ tướng cảnh báo, Việt Nam cần tránh để keyword “quốc gia khởi nghiệp” hay “tinh thần khởi nghiệp” giống như cụm từ “công nghiệp hoá” trước đây, tức là ai cũng nói, nhưng không áp dụng triệt để trong các hoạt động cụ thể.
Làm như thế nào???
“Vấn đề là đã có các doanh nghiệp Việt ‘start’ rồi, thậm chí đã ‘up’ rồi, nhưng toàn bộ thành tựu đó không thể vào được Việt Nam”, Phó thủ tướng cho hay.
Trước câu hỏi về việc làm thế nào để Việt Nam có tên trên bản đồ dành cho những khu vực tốt nhất dành cho khởi nghiệp trên thế giới, đại diện hiệp hội doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân cho rằng cần tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp.
Ông Quân chia sẻ: “Theo tính toán của tôi, ở Việt Nam, một doanh nghiệp starup cần chi trung bình 50 USD, và mất khoảng 7 ngày. Trong khi đó, ở châu Âu, thời gian cần là 30 phút, và không mất chi phí nào. Ở Việt Nam, cũng chẳng có hệ thống giáo dục ào thúc đẩy suy nghĩ về việc cá nhân có thể mở doanh nghiệp cả hệ phổ thông lẫn đại học. Và tính tôn vinh doanh nghiệp cũng không cao”
Trong khi đó, hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hoàng Minh Sơn cho biết, ý tưởng và công nghệ đặc sắc là yếu tố làm nên thành công của một startup. Ý tưởng có thể nuôi dưỡng từ ngành học giáo dục phổ thông, để thúc đẩy tính sáng tạo của học sinh.
“Trong nghiên cứu khởi nghiệp, thường phải chấp nhận rủi ro. Với 5 dự án, có thể chỉ thành công được một. Nhưng thực tế, các quỹ khởi ngiệp khi tài trợ lại có quá nhiều ràng buộc, không thành công thậm chí còn phải trả lại tiền. Thực tế cho thấy, quy định trên đang gây khó, và cần có sự thay đổi, như là chấp nhận một độ rủi ro nhất định”, ông Sơn cho hay.
Nguồn: news.zing.vn