ICTNews – Trong vòng bốn tháng đầu năm 2015, thị trường tech startup Việt Nam đã diễn ra khá sôi động khi chứng kiến nhiều doanh nghiệp xuất hiện với lĩnh vực hoạt động đa dạng từ nền tảng hạ tầng, quảng cáo cho đến thương mại điện tử (TMĐT).
Mặc dù hoạt động ở các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, nhưng các tech startup trong năm 2015 đều có điểm chung là đã nhận được đầu tư từ các doanh nghiệp hoặc tập đoàn trong nước có kinh nghiệm trong việc khởi nghiệp và đa phần đều có hoạt động kinh doanh bước đầu khá khả quan.
Sôi động thị trường
Cuối quý I vừa qua, Applancer.vn, đơn vị xây dựng nền tảng kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển ứng dụng di động với các lập trình viên trong nước đi vào hoạt động. Được biết, Applancer là dự án được đầu tư bởi Appota, đơn vị phân phối nội dung số trên nền tảng di động, một trong những tech startup có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam trong hai năm trở lại đây.
Nền tảng gia công ứng dụng di động Applancer.
Khoảng một tháng sau đó, Haravan.com, đơn vị cung cấp giải pháp TMĐT dựa trên công nghệ mở cũng chính thức cung cấp dịch vụ sau gần một năm thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm. Haravan.com là dự án được đầu tư bởi Seedcom, Quỹ đầu tư do ông Đinh Anh Huân, cựu Giám đốc Điều hành công ty Thế Giới Di Động thành lập. Tính đến nay, doanh nghiệp này có hơn 13,000 khách hàng đăng ký dùng thử, con số có thu phí chiếm khoảng 10%.
Gần đây, Deca.vn, trang web TMĐT cũng chính thức công bố nhà đầu tư là công ty Quảng cáo trực tuyến 24h sau một thời gian kín tiếng. Theo thông tin từ Deca.vn, hiện trang web này đã chạm mốc 1,000 đơn hàng thành công mỗi ngày sau 7 tháng hoạt động. Giá trị đơn hàng dao động từ 200,000 đến 300,000 đồng.
Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân tham gia, tập đoàn FPT cũng góp mặt với viecnha.vn, trang web kết nối các gia đình, hộ cá nhân với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc nhà, sửa chữa tại gia có uy tín ra mắt hồi đầu năm. Đây là dự án do FPT Telecom làm chủ đầu tư.
Một dự án khác là Ants, đơn vị cung cấp hệ thống quảng cáo tự động (Progammmatic AD) cũng sắp ra mắt sau một thời gian thử nghiệm dịch vụ. Theo nguồn tin khá tin cậy, đây là dự án do tập đoàn FPT làm chủ đầu tư.
Hệ thống quảng cáo tự động Ants.
Chững chạc hơn ?
Ông Đỗ Tuấn Anh, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Appota nhận xét rằng các tech startup được đánh giá là chững chạc và có nhiều lợi thế hơn so với những doanh nghiệp trước đây như Vật giá, Chợ Điện Tử, VC Corp, VNG hay gần đây nhất là Appota, Giao Hàng Nhanh, Tiki…
Cụ thể, theo ông Tuấn Anh, thứ nhất, đội ngũ các nhà sáng lập ngày càng giỏi hơn vì họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thời gian qua. Thứ hai, một số công ty khởi nghiệp đi trước gặt hái được ít nhiều thành công đang đầu tư vào các dự án tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ.
“Dù số tiền đầu tư không nhiều, nhưng kinh nghiệm, cách tiếp cận thị trường và cả thất bại của những người đi trước được truyền lại cho các tech startup hiện nay để giảm thiểu khả năng thất bại.”, ông Tuấn Anh nói.
Còn theo ông Trần Mạnh Công, Giám đốc Đầu tư Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA, đơn vị đào tạo trực tuyến và ươm mầm các dự án khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam, cho biết đã có hàng trăm triệu đô-la được đầu tư vào các tech startup từ năm 2005 đến nay. Điều này giúp cho hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp trong nước ngày càng hoàn thiện.
Về việc các doanh nghiệp công nghệ thành lập đơn vị đầu tư riêng, khá dè dặt, ông Công cho rằng hiện vẫn còn mới và chưa có nhiều câu chuyện thành công nên chưa thể đánh giá sớm đây là trào lưu hay xu hướng. Tuy nhiên, giống như ông Tuấn Anh của Appota, ông Công cũng cho rằng trước mắt sẽ có lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới hiện nay cũng như cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam nói chung.
Theo thông tin từ FPT, trong năm 2015, tập đoàn đẩy mạnh việc thu hút các nhà khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực tham gia cùng tập đoàn, các đối tượng có thể là người của FPT hoặc người ngoài.
Tuy nhiên, để được FPT chọn phải có điều kiện. Theo đó các đối tượng tham gia phải có các dự án phù hợp với hệ sinh thái của FPT và quan trọng hơn là phải có tầm nhìn dài hạn với mức doanh thu đủ hấp dẫn ( Theo một nguồn tin chưa kiểm chứng là từ một đến ba triệu USD/ năm).
Bởi theo, ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn FPT, đầu tư vào các sản phẩm công nghệ mới ẩn chứa rất nhiều rủi ro, sự tiếp nhận của thị trường là một trong số các rủi ro đó. Chính vì thế, FPT kết hợp giữa việc đầu tư với các nguồn lực khác của tập đoàn như năng lực công nghệ, kinh nghiệm kinh doanh, khả năng xâm nhập thị trường… để giảm thiểu khả năng thất bại.
“Quan điểm của chúng tôi là cùng làm cùng hưởng.”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, FPT tham gia với mục đích làm thị trường đầu tư phong phú hơn chứ không phải là đối thủ cạnh tranh của các Quỹ hiện nay. Ông Phương cho biết hiện có hàng ngàn dự án khởi nghiệp ở Việt Nam nhưng số lượng dự án có chất lượng cao lại không nhiều.
“FPT sẽ giúp các dự án khởi nghiệp trưởng thành hơn. Chúng tôi cũng có chính sách mời các quỹ đầu tư khác cùng tham gia dự án nếu phù hợp.”, ông Phương nói.
Theo ICTNews