Giấc mơ đẹp về Hà Nội trong 5 năm nữa sẽ như thế nào?

Tương lai Hà Nội trong 5 năm sau với nhiều thay đổi trong kinh tế, xã hội, một thành phố khởi nghiệp, chính quyền thân thiện, không còn các rào cản gia nhập thị trường….

Trong bài phát biểu mới đây trước hơn 500 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mong muốn thủ đô Hà Nội trong 5 năm tới sẽ là một thành phố xanh với những công viên ngang tầm Disneyland hay trung tâm tài chính lớn như HongKong.

Thành phố xanh theo chuẩn khu vực và thế giới

Dự định trong 5 năm tới Hà Nội sẽ trồng thêm 1 triệu cây xanh và xây dựng 25 công viên, trong đó có 5 công viên đạt tiêu chuẩn thế giới. 5 công viên này ngoài chức năng phủ xanh đô thị, thân thiện với môi trường còn là điểm đến lý tưởng của nhân dân và du khách với đầy đủ các khu vui chơi giải trí áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến theo chuẩn khu vực và thế giới. Trong đó, có những công viên sẽ đẹp như Disneyland của Hongkong – hiện đang được xếp trong danh sách 20 công viên hút khách nhất thế giới.

giac-mo-dep-ve-ha-noi-trong-5-nam-nua-se-nhu-the-nao 1

Theo Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực nội đô Hà Nội sẽ có 60 công viên, vườn hoa đô thị, trong đó có 18 công viên, vườn hoa xây mới; cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có.

Bên cạnh đó, Ha Nội cũng sẽ bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch, cải tạo nhà văn hóa thanh niên, khu vui chơi, khu thể thao đặc biệt…

Thành phố có môi trường khởi nghiệp tốt nhất cả nước

Hà Nội sẽ tiên phong cả nước về đầu tư và kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng hiện đại, thân thiện và chuyên nghiệp. Xây dựng chính quyền thân thiện để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chính quyền thành phố thực hiện tốt vai trò kiến tạo và khởi nghiệp, tạo thuận lợi mới cho khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo.

giac-mo-dep-ve-ha-noi-trong-5-nam-nua-se-nhu-the-nao 2

“Ngay sau hội nghị này, thành phố sẽ thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; ban hành cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ tiếp cận đất đai, khoa học công nghệ, phấn đấu trong giai đoạn 2016 – 2020 thành phố có thêm 200 nghìn doanh nghiệp thành lập mới hoạt động hiệu quả”, Chủ tịch Chung cho biết.

Như vậy, cộng thêm 180.000 doanh nghiệp hiện có, Hà Nội sẽ đóng góp hơn 1/3 vào mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra.

Liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội gỡ bỏ các rào cản làm trì trệ, thậm chí làm vướng sự phát triển của thủ đô. Tiêu biểu nhất là môi trường đầu tư đang kém thông thoáng, đặc biệt các rào cản lớn trong việc gia nhập thị trường, trong đó nổi bật là khả năng tiếp cận đất đai. Bên cạnh đó, bộ máy hành chính hiện còn nặng nề, kém năng động, hiệu quả chưa cao.

Phát triển mô hình kinh tế hướng sang vùng ngoại thành

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, dựa trên việc quy hoạch phát triển 5 thành phố vệ tinh, Hà Nội cần chuyển đổi mô hình phát triển hướng tâm – tập trung ở vùng nội đô, sang mô hình hướng biên – phát triển các khu vực ngoại vi sẽ tạo điều kiện để mở rộng thành phố, giảm sức ép về dân số cũng như kéo giãn sự tắc nghẽn đối với tất cả các hoạt động trong khu vực trung tâm.

giac-mo-dep-ve-ha-noi-trong-5-nam-nua-se-nhu-the-nao 3

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng gợi ý Hà Nội xem xét phát triển 5 thành phố vệ tinh theo hướng chuyên đề như Thành phố khoa học, Thành phố công nghệ cao, Thành phố tài chính, Thành phố dịch vụ. Các thành phố có sự kết nối với nhau cũng như kết nối qua khu vực trung tâm, qua đó bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Phấn đấu trở thành trung tâm tài chính hàng đầu khu vực 

Theo Bộ trưởng Dũng, tài chính như dòng máu nuôi sống doanh nghiệp, nuôi sống nền kinh tế Nên Hà Nội phải trở thành trái tim, trở thành một trung tâm tài chính đóng vai trò điều phối, cung cấp “dòng máu” tài chính cho bản thân Hà Nội, và cho cả nước. Thậm chí phải phấn đấu trở thành trung tâm này sánh ngang với trung tâm tài chính của Hongkong, Singapore… Hà Nội mạnh, đất nước mới mạnh”, Bộ trưởng Dũng nói.

Những gợi ý này của Bộ trưởng Dũng dựa trên Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 mà Chính phủ đã phê duyệt.

Đây chỉ là mơ ước, việc thực hiện được hay không lại là vấn đề cần sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân….. Nó cũng đặt ra cơ hội, thử thách cho các công ty Startup hiện nay.