Cho dù bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nào thì những sai lầm tiếp thị vẫn là chuyện thường khó tránh khỏi.
Đặc biệt, các startup phải đối mặt với nhiều thách thức rất đặc thù như ngân sách và nguồn lực eo hẹp trong khi phải xây dựng được tầm nhìn thương hiệu cho khách hàng ️
Biết được thời điểm tốt và cách để đầu tư vào hoạt động marketing sẽ là một trong những chìa khóa thành công của startup. Dưới đây là những lỗi về marketing mà startup thường mắc phải và làm thế nào để khắc phục chúng.
1. Đầu tư nhiều tiền vào marketing quá sớm
Startup nào cũng muốn mình nổi lên thật nhanh bằng một chiến dịch marketing tầm cỡ. Nhưng sự thực là bạn nên khởi đầu chậm và đừng chi nhiều tiền vào marketing quá sớm. Nếu bạn bắt đầu marketing quá sớm, điều tệ nhất có thể xảy ra là chiến dịch marketing của bạn thành công nhưng công ty của bạn lại không đủ sức đáp ứng nhu cầu của lượng khách hàng mới. Hãy bắt đầu chậm và tìm hiểu thị trường, tìm hiểu xem khách hàng của mình là ai và tập trung marketing cho đối tượng khách hàng của mình.
2. Chọn sai kênh marketing
Có vô vàn kênh truyền thông và tiếp thị để bạn có thể lựa chọn, nhưng kênh nào là phù hợp nhất thì phụ thuộc vào đối tượng khách hàng của bạn là ai và nơi mà bạn sẽ thu hút được sự quan tâm của họ. Đừng vội vàng trước khi hiểu được khách hàng của mình. Thông thường bạn sẽ có nhiều nhóm khách hàng khác nhau, điều bạn cần làm là tìm hiểu xem kênh nào phù hợp với từng nhóm khách hàng.
3. Tuyển mộ chuyên viên marketing quá sớm
Có được những chuyên viên marketing giúp mình xây dựng thương hiệu là điều nhiều startup mong muốn, nhưng tốt hơn hết đừng nên làm điều này quá sớm. Những chuyên viên này đều làm bạn tiêu tốn những khoản phí không nhỏ, thay vào đó hãy tập trung nguồn lực của mình vào những phương án giảm thiểu được chi phí. Việc thuê các agency, freelancer hoặc thực tập sinh đều là những phương án thay thế khả thi với chi phí thấp hơn.
4. Bỏ quá nhiều công sức vào việc hoàn thiện thương hiệu
Rất nhiều startup muốn thay đổi tên thương hiệu của mình để ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên đầu tư vào việc hoàn thiện thương hiệu quá sớm sẽ không mang lại nhiều kết quả cao mà còn tốn khá nhiều chi phí.
Những startup đầu tư quá nhiều vào việc quảng bá thương hiệu, nhất là trên các phương tiện truyền thông có thể là một sai lầm lớn. Brett Relander, nhà sáng lập Launch and Hustle cho biết: “Đối với một chiến dịch marketing quá ồn ào, nhiều khách hàng sẽ phản ứng bằng cách không tham gia. Thậm chí tệ hơn, họ có thể không theo dõi nhãn hiệu của bạn nữa nếu bạn đăng quá nhiều bài mà không mang lại giá trị gì”.
Giải pháp tốt nhất là hãy bắt đầu và điều chỉnh từ từ. Đừng trì hoãn việc khởi động trang web của mình chỉ để đợi một thiết kế hoàn hảo. Khi trang web của bạn đã đi vào hoạt động, bạn có thể cập nhật thêm thông tin hoặc điều chỉnh để có được một trang web vừa ý. Bạn còn có thể dần dần tìm hiểu thêm về nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
5. Để mọi người ảnh hưởng quá nhiều vào quyết định của mình
Khi nói đến marketing, hầu như ai cũng đều có ý tưởng riêng nhưng càng nhiều người đưa ra ý kiến, bạn càng tốn nhiều thời gian để quyết định. Hãy nhớ rằng bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Đừng hỏi ý tưởng marketing từ tất cả nhân viên, người thân và bạn bè. Bạn chỉ cần tin tưởng nhân viên marketing của mình là đủ rồi.
6. Chạy đua theo đối thủ
Quan sát, tìm hiểu và cố gắng làm tốt hơn đối thủ của mình đều là những điều quan trọng trong kinh doanh. Tuy nhiên bạn đừng để mình bị cuốn vào việc mải miết chạy theo đối thủ để thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Không những khách hàng sẽ cảm thấy mệt mỏi với một chiến dịch ồn ào, mà bạn còn không biết được chiến dịch đó hiệu quả đến mức nào. Mike Kapel, nhà sáng lập Patriot Software cho rằng: “Đối thủ không thể có được đam mê, cũng như kinh nghiệm và hiểu biết về công ty của bạn bằng chính bản thân bạn. Tập trung vào lợi thế cạnh tranh của mình chính là bí quyết để thành công”.
7. Không đánh giá được kết quả
Khi đầu tư vào marketing, bạn cần phải theo dõi được mọi thứ đang diễn ra. Nếu không biết mỗi chiến dịch thu hút được bao nhiêu người, bạn không thể biết được hiệu quả của những khoản đầu tư của mình. Bạn cần phải theo dõi từng chiến dịch marketing mà mình thực hiện và đừng bao giờ ngại hỏi khách hàng làm thế nào mà họ biết đến bạn.
Những lỗi kể trên hoàn toàn có thể tránh được, nhưng nếu bạn lỡ mắc phải chúng thì cũng không quá nghiêm trọng. Chỉ cần bạn xem xét lại và điều chỉnh chiến lược marketing của mình, học hỏi từ sai lầm của bản thân, bạn có thể làm công việc kinh doanh của mình phát triển và thành công.