Cân bằng giữa công việc, linh hoạt thời gian và tận hưởng cuộc sống là cách mà thế hệ trẻ Gen Z đang dần định nghĩa lại giữa xã hội hiện đại ngày nay.
Giới trẻ ngày nay hay còn gọi là gen Z và millennials thường bị coi là thế hệ lười biếng, mỏng manh dễ vỡ, kém sức chịu đựng và cho mình quyền làm bất cứ thứ gì họ muốn.
Theo nhiều nghiên cứu mới đây thì họ là lớp người tiên phong hiểu được thế nào là vai trò của việc sống cân bằng, thế nào mới là đúng ý nghĩa của việc sống ra sao cho sống.
Gen Z muốn được làm việc một cách linh hoạt
Thanh Tùng, 27 tuổi, nghỉ làm ở một ngân hàng dưới vai trò quản lý dự án. Lý do nghỉ việc của Tùng không phải vì công việc mới sẽ đem lại thu nhập ổn định hơn hay chức vụ cao hơn, mà đơn giản chỉ là Tùng muốn tìm một công việc, một công sở khiến cậu thấy vui mỗi khi đi làm.
Công ty mới của Tùng là một công ty nước ngoài, chuyên về thiết kế sáng tạo và quản lý thương hiệu. Môi trường mới năng động, đồng nghiệp của Tùng gồm nhiều các bạn trẻ trạc lứa tuổi và thời gian làm việc của công ty thì lại rất linh hoạt. Tùng chia sẻ rằng vấn đề mấu chốt ở công ty mới là: “Hãy làm cho xong việc của bạn, công ty sẽ không quan tâm bạn làm việc ở đâu hay bất cứ giờ giấc thế nào.” Điều này khiến Tùng và các đồng nghiệp trẻ khác cảm thấy thoải mái trong các quy định linh hoạt này.
Thời của Millennials và Gen Z định hình lại công việc lý tưởng: Cân bằng để sống và tận hưởng, chứ không chỉ làm đến kiệt sức – Ảnh 4.
Tùng chia sẻ rằng: “Một khách hàng bên nước ngoài gọi điện thoại cho mình vào lúc 8 giờ tối (vì họ ở lệch múi giờ), tôi vẫn vui vẻ nhấc máy, sẵn sàng trả lời và trao đổi công việc với họ, bởi tôi biết rằng sáng ngày hôm sau đi làm, tôi sẽ không bị phạt vì không có mặt trước 9 giờ sáng.”
Nếu ở môi trường cũ, Tùng nói rằng ngay cả khi bạn làm thêm giờ (overtime) hay tối vẫn phải mang thêm việc về nhà mà làm đi chăng nữa, thì vẫn rất khó giải thích với sếp của bạn, bởi bộ máy công ty đã cố định với đủ thứ luật lệ, máy chấm công. Điều này rất dễ gặp ở những công ty lâu năm với cách làm việc cũ. Nếu may mắn, bạn có thể gặp một người sếp tâm lý và thông cảm cho lý do của bạn. Nhưng nếu xui xẻo, người sếp cứng nhắc sẽ chỉ chăm chăm nhìn vào cái bảng chấm công cuối tháng của bạn và đặt câu hỏi về việc tại sao bạn lại đi làm trễ những ngày này. Lúc đó, bạn rơi vào tình thế rất khó để giải thích vì sếp sẽ chả phân biệt được đâu là việc bạn đang cố gắng làm hay đó là nghĩa vụ của bạn phải hoàn thành.
Với công ty thiết kế hiện tại, Tùng cảm thấy thoải mái và chủ động hơn về việc quản lý thời gian của mình. Đối với cấp trên ở môi trường mới, họ sẽ chỉ quan tâm bao giờ bạn hoàn thành công việc đúng thời hạn mà họ đưa ra. “Nhiều khi vào sáng thứ hai, thay vì buộc phải có mặt ở công ty thì tôi hẹn khách hàng ra một quán cafe ưa thích, sau đó chúng tôi cùng thảo luận về công việc. Đâu nhất thiết bạn phải có mặt trên văn phòng mới hoàn thành được công việc đâu?”
Tùng không phải là cá nhân duy nhất trong thế hệ trẻ ngày nay tư duy về cuộc sống và công việc như vậy. Rất nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi của Tùng, thậm chí trẻ hơn nhiều, đang tư duy rằng việc họ “nhảy việc” liên tục không phải là để thăng tiến nhanh hơn, mà là tìm ra cho mình một môi trường làm việc phù hợp hơn. Thế hệ trẻ ngày nay giống như là những chiến binh thầm lặng, đang viết lại định nghĩa về cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cho dù họ có thể vấp phải rất nhiều nghi ngờ, chỉ trích từ các định kiến vốn có của xã hội hiện nay.
Đối với các thế hệ nhân viên văn phòng tuổi từ 24 đến 35 hiện nay, đi làm đã trở thành một nỗi ám ảnh, không còn được háo hức mong đợi, mà giống như việc bạn phải đi trả bài hàng ngày vậy. Khi điều này kéo dài một thời gian, nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác như trầm cảm, rối loạn lo âu, kiệt sức, không có động lực làm việc… Nhất là ở giai đoạn này, nhiều người đi làm sẽ phải rơi vào tình trạng đấu tranh làm sao để có đủ thời gian chăm sóc cho bản thân, con cái, thú cưng của mình.
Dĩ nhiên, đi làm không phải là một cuộc dạo chơi để chúng ta thoải mái nuông chiều bản thân, lựa chọn môi trường dễ chịu nhất. Chúng ta sẽ phải thích nghi, sẽ phải đưa mình vào kỷ luật, bởi suy cho cùng, kỷ luật vẫn là thứ quan trọng nhất khi làm việc – dù là ở bất cứ đâu. Áp lực cũng vậy, ngay cả khi bạn làm việc ở nhà, những áp lực vẫn sẽ tìm đến và bạn phải học cách giải quyết chúng như một người trưởng thành. Thế nhưng, thành công đến cùng việc cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân vui vẻ, thoải mái. Tìm được một chỗ làm việc lý tưởng với bản thân, khiến bạn hăng say cống hiến và cho bạn thời gian để chăm lo cho cuộc sống cá nhân – cũng quan trọng như việc đạt được một cái đích trong sự nghiệp vậy.
Gen Z định nghĩa lại quan niệm làm việc 8 tiếng/ngày
Hiện nay rất hiếm công ty có thể áp dụng được những chính sách linh hoạt về thời gian. Đối với các thế hệ nhân viên và quản lý trước, họ nghĩ rằng thế hệ kế tiếp nên chấp nhận và cố gắng như cách mà họ đã trải qua, và điều đó khiến những nhà tuyển dụng được hưởng lợi từ việc luôn có người lao động đáp ứng.
Ngoài ra, sự linh hoạt thực sự là một điều xa xỉ để có thể đòi hỏi ngay từ ban đầu làm việc. Sự tự do này là một phần thưởng không dành cho số đông, mà chỉ cho các vị trí đứng đầu – những nhà quản lý, đội trưởng nhóm, thành viên quan trọng của công ty bởi họ là những người có trách nhiệm và ý thức đối với công việc và công ty mình đang làm. Bởi nếu phải đem ra đánh đổi, những nhà quản lý thế hệ trước sẽ ưu tiên phương án an toàn hơn để ít nhất có thể quản lý mọi thứ trong tầm kiểm soát, vì bạn sẽ không biết tính cách và trách nhiệm của mỗi nhân viên trong cả bộ máy to lớn sẽ thế nào.
Trên thế giới, ở một số các tập đoàn lớn như Apple hay Walmart, họ đang bắt đầu chú trọng dần vào việc không chỉ quan tâm phần ngọn – tức những cán bộ quản lý cấp cao, mà dàn trải sự chú ý, quan tâm, làm sao để cải thiện công việc hiệu quả sang toàn bộ nhân viên – kể cả những người có chức vụ thấp nhất. Trong tương lai, khi mà thế hệ trẻ tiếp theo dần phát triển hơn và trở thành các ông chủ mới, nhà quản lý mới, chắc chắn họ sẽ đòi hỏi và đấu tranh cho phương thức làm việc linh hoạt mới này – điều mà các công ty hàng đầu sẽ phải cân nhắc và thay đổi theo thời đại. Rất nhiều báo cáo về thế hệ trẻ ngày nay đã chứng minh rằng mô hình “làm việc từ 9 giờ sáng đến 17 giờ chiều ở văn phòng mới hiệu quả” là hoàn toàn không đúng.
“Trong tương lai, khi trở thành những nhà quản lý mới, thế hệ trẻ đã và sẽ đập tan mô hình “làm việc ở văn phòng từ 9 giờ sáng đến 17 giờ mới là hiệu quả.”
Theo một nghiên cứu mới nhất của công ty PwC – một công ty về tư vấn và kế toán, họ phát hiện ra rằng với giới trẻ ngày nay, họ định nghĩa công việc là một “sự việc” – không phải “một địa điểm”. Sự linh hoạt đối với giới trẻ không phải là khả năng làm việc ở nhà khi đợi thợ sửa ống nước đến hay con của bạn ốm thì bạn có thể ở nhà chăm; cũng không phải là những đãi ngộ rất hấp dẫn ở thế kỉ 21 như miễn phí bữa ăn tối, hay xe đưa đón được trang bị wifi; tất cả cốt chỉ để giữ mọi người làm việc lâu hơn.
Thay vào đó, giới trẻ muốn họ mới là người định hướng công việc phù hợp với nhịp sống hàng ngày của họ. Họ có thể làm việc được từ xa (điều vốn dĩ khá đơn giản trong thời đại số ngày nay) và thay đổi thời gian làm việc linh hoạt nếu họ cần, miễn sao công việc của họ vẫn được hoàn thành đầy đủ. Với công nghệ mới, mọi người đều có thể tham gia bất kì cuộc họp nào từ bất kì nơi đâu và tiến độ công việc vẫn được đảm bảo một cách trọn vẹn. Một chuyên gia chiến lược ở công ty tìm kiếm việc làm hiện nay cho biết: “Giới trẻ ngày nay sẵn sàng làm hết mình để hoàn thành công việc của họ được giao, sau đó đổi lại họ có được thời gian cho chính mình. Nếu bạn nộp lại một kế hoạch trước deadline và đạt như yêu cầu của sếp mong muốn, vậy việc bạn làm vào 10 giờ sáng hay 10 giờ tối cũng chẳng còn quan trọng nữa.”
Hãy biết cách cân bằng công việc và tận hưởng
Ngọc Anh, 36 tuổi, làm việc hơn 80 giờ mỗi tuần trong lĩnh vực tư vấn quản lý. Con trai 5 tuổi của chị mỗi lần thấy mẹ đóng gói đồ đạc vào va li để đi công tác là nước mắt lại giàn giụa vì không muốn xa mẹ. Chị kể rằng việc sử dụng Facetime để dỗ con mình trước khi đi ngủ mỗi khi đi công tác xa nhà cũng thật là khó khăn. Cuối cùng, chị quyết định chuyển sang một công việc mới, mặc dù bị cắt giảm hơn 15% lương, nhưng chị chấp nhận để có một công việc phù hợp hơn với cuộc sống của mình.
Giờ đây, chị có thể đưa con mình đi học vào mỗi sáng và chị chia sẻ: “Nếu việc bạn phải làm thêm giờ khiến bạn bị kiệt sức, không còn đủ thời gian chăm lo cho gia đình và con cái nữa, thì đó là lúc bạn phải quyết định trở thành một phần của việc giải quyết vấn đề.”
Như đã đề cập ở trên, đại đa số công ty hiện nay rất ngại thay đổi và đều không cảm thấy thoải mái khi cho nhân viên của mình quyền tự chủ về thời gian và địa điểm họ muốn làm việc. Khi một nhân viên trẻ tuổi nói về việc cân bằng cuộc sống: “Tôi sẽ cống hiến hết mình cho công ty, nhưng tôi cũng cần có phải có một cuộc sống cho mình”, nhưng thật không may, các nhà lãnh đạo thời nay chỉ nghe thấy rằng: “Có phải bạn đang muốn làm việc ít hơn không?”
Trương Kiên, 24 tuổi, hiện đang làm một video editor (người biên tập và dựng video) nói rằng cậu chỉ có thể tập trung được tốt nhất khi làm việc vào buổi tối tới đêm (mặc dù lựa chọn đó có vẻ cũng không tốt cho sức khỏe lắm về lâu dài). Nhưng rõ ràng khối lượng công việc và năng suất, sức sáng tạo của Kiên cao hơn rất nhiều so với ban ngày. Và việc cậu cho ra mắt được những sản phẩm chất lượng vẫn là bằng chứng về việc làm ở đâu hay làm lúc nào không quan trọng.
Các nhà khoa học xã hội đã phát hiện ra rằng không phải tất cả những người trẻ tuổi đều yêu cầu những lợi ích này, ngay cả khi họ muốn, bởi vì họ cũng sợ bị đánh giá là lười biếng hay không trung thành với công ty. Sâu thẳm trong những người trẻ tuổi, mặc dù họ khao khát có được một cuộc sống cân bằng nhưng bởi vì các môi trường làm việc truyền thống ngày nay đều không hỗ trợ hoặc ngại thay đổi khi phải đối mặt.
Dựa trên kết quả của hàng ngàn cuộc khảo sát với giới trẻ hiện nay, các công ty nghiên cứu cho biết đại đa số họ đều có một dòng yêu cầu công việc trong bản đi xin việc của mình rằng: sự linh hoạt trong công việc. Một trung tâm nghiên cứu Pew công bố rằng các nhân viên văn phòng tuổi từ 18 đến 29, bao gồm cả đàn ông lẫn phụ nữ, bao gồm kể cả đã có gia đình hay con nhỏ, đều chọn phương án mong muốn có khả năng làm việc linh hoạt khi đi làm.
Nhưng ngược lại từ ở phía các doanh nghiệp thì sao? Cuộc khảo sát dựa trên 11,000 nhân viên và 6,500 lãnh đạo doanh nghiệp do trường đại học Harvard và Boston công bố, đại đa số đều cho rằng, trong số những thay đổi cấp bách nhất ảnh hưởng đến sự phát triển cho các doanh nghiệp là mong đợi của các nhân viên về khả năng linh hoạt – tự chủ trong công việc, làm việc từ xa, cân bằng hơn giữa cuộc sống và công việc,… Tuy nhiên, chỉ có 30% doanh nghiệp trong cuộc khảo sát là họ có ý thức và đã được chuẩn bị để đáp ứng những nhu cầu này.
Công nghệ là yếu tố rất lớn thay đổi tư duy của Gen Z
Công nghệ chính là một lý do thay đổi lớn trong tư duy của thế hệ trẻ hiện nay. Trong từ điển hay kí ức của họ đều không có cụm từ “không thể tìm thấy anh/cô ấy đâu trong văn phòng cả?”. Ngày nay, logic của họ nghĩ rằng nếu bạn có thể liên lạc với họ ở bất kì đâu – bất kì lúc nào, bởi thời gian mà họ sử dụng cho điện thoại thông minh (smart-phone) còn lớn hơn thế hệ trước rất nhiều, vậy thì lý do gì mà bạn cứ phải dán chặt mình với chiếc ghế ở văn phòng?
“Công nghệ đã thay đổi cách chúng ta làm việc trong thời đại mới, khi mà ai cũng có điện thoại thông minh và bạn có hàng tá cách liên lạc qua nhiều nền tảng khác nhau. Vậy logic gì cho việc cứ phải có mặt trong văn phòng?”
Một lý do khác khi người trẻ đòi hỏi sự linh hoạt đó là họ cũng sẽ phải kết hôn và có con trong tương lai, bởi vậy nên họ đang đầu tư nhiều chất xám và công sức hơn trong khoảng thời gian họ còn lao động, để tạo thành đòn bẩy vững chắc cho tương lai họ sau này. Vài người trong số họ cũng đã bắt đầu phải nghĩ đến việc chăm sóc bố mẹ tuổi già nữa.
Thu Trang, 32 tuổi, làm việc tại một công ty truyền thông lớn khi cô có đứa con đầu lòng và cô quyết định đi tìm một công việc mới. Cô muốn có được sự linh hoạt trong công việc và cô vẫn giữ tham vọng lớn trên con đường sự nghiệp của mình. Thông thường, thật không khôn ngoan khi đề cập đến vấn đề có con nhỏ trong buổi phỏng vấn, điều đó sẽ tạo ấn tượng không tốt với những nhà tuyển dụng. Dẫu vậy, trong một buổi phỏng vấn với một công ty giáo dục nước ngoài, Trang vẫn đánh liều hỏi họ là liệu cô có thể về sớm đón con vào mỗi buổi chiều và có ít nhất một ngày trong tuần đi muộn để đưa con cô đến trường tập văn nghệ vào buổi sáng hay không? Người phỏng vấn cô đã đồng ý ngay lập tức khiến Trang rất sửng sốt vì cô đang không mong đợi điều đó có thể xảy ra dễ dàng như vậy.
Thu Trang không phải là trường hợp hiếm hoi. Các nhà nghiên cứu và những nhân viên tuyển dụng xuất sắc hiện nay đều cho rằng việc bạn đối xử tốt với nhân viên của mình sẽ đem lại nhiều kết quả bất ngờ từ thế hệ lao động trẻ hiện nay. Thế hệ trẻ có tư duy xã hội rất tiến bộ khi họ có đủ dũng khí để nói ra những điều mình mong muốn (trong khi các thế hệ trước không có được tư duy đó), và nếu bạn đáp lại cho những đãi ngộ đó, bạn không cần phải nói ra nữa, họ sẽ sống chết với công việc và không ngần ngại cống hiến cho công ty của bạn nhiều hơn bao giờ hết.
Người trẻ hiện nay đã từng thấy những gì bố mẹ mình phải trải qua, cách bố mẹ mình đã cực khổ vật lộn với cuộc sống ngày trước thế nào khi công việc không có ổn định hoặc nguồn thu nhập định kì lại thấp, trong khi công sức lao động thì gần như bị vắt kiệt. Nhiều thanh niên thấy được cha mẹ mình đã phá sản, hay mất trắng trong những cuộc khủng hoảng kinh tế, vì vậy nhiều người trong họ nói rằng, họ không muốn bỏ cả đời chỉ để làm việc và không có cảm thấy thỏa mãn gì trong cuộc sống. Khi lực lượng lao động mới ngày càng đa dạng hơn, chúng ta ngày càng nhận thấy cả đàn ông lẫn phụ nữ đều cho rằng còn rất nhiều thứ để làm, để tận hưởng trong cuộc sống so với việc cắm đầu làm tới kiệt sức.
Đối với thế hệ trẻ ngày nay, họ đang yêu cầu linh hoạt trong thời gian và địa điểm, như một cách để yêu cầu sự thoải mái tuyệt đối khi làm việc, và thời gian dành cho bản thân một cách hoàn toàn. Thậm chí, nhiều người ưu tiên sự cân bằng này còn cao hơn cả việc lương thưởng hay thâm niên làm việc – một nhà tuyển dụng nước ngoài cho biết. Họ kể lại rằng các ứng viên trẻ còn nói: “Tôi muốn chứng tỏ tôi là một ứng cử viên sáng giá, và tôi cũng đang mong muốn được nhìn thấy những gì mình sẽ nhận được”.
Ngọc Hiển, 34 tuổi, hiện đang là một bác sĩ nội trú. Cũng như cha mình, hàng ngày anh làm việc lên tới 12 – 14 tiếng mỗi ngày trong tình trạng căng thẳng liên tục vì phải thực hành kĩ thuật. Sau một thời gian dài không thể chịu đựng thêm, anh quyết định chuyển sang mở phòng khám tư nhân với một mục tiêu duy nhất: “Tôi muốn được cân bằng trong cuộc sống của mình.”
Hiển chấp nhận thu nhập của mình hàng năm có thể bị giảm đi đáng kể, nhưng anh cho biết rằng anh hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, khi mỗi tuần chỉ còn phải làm việc từ 40 – 50 tiếng. Anh vui vẻ chia sẻ: “Tiền đến với bạn rồi nó cũng sẽ đi, chỉ có thời gian là thứ mà bạn có thể cảm nhận sâu sắc ở chính thời điểm hiện tại và chỉ bạn mới là người quyết định mình sử dụng thời gian như thế nào.”
Một kết quả trắc nghiệm với người có độ tuổi trung bình từ 35 – 50, khi hỏi rằng họ có muốn thời gian làm việc linh động không, kết quả bất ngờ rằng họ cũng muốn điều đó nếu có nhưng họ chưa từng bao giờ nghĩ tới. Tư tưởng làm việc của thế hệ cũ đã ăn sâu vào tiềm thức và văn hóa của thế hệ cũ, và một điều quan trọng nữa là họ không có khả năng đòi hỏi nó ở trong quá khứ. Đôi khi sự khác biệt này cũng dẫn đến sự căng thẳng xung đột, bùng lên giữa những người trẻ tuổi và người thế hệ cũ khi họ làm cùng một công ty.
Học và thực hành cách để có thể cân bằng giữa cuộc sống với công việc là điều không hề đơn giản với thế mọi người. Nhưng Gen Z đang dần và họ sẽ làm được điều đó theo cách riêng của mình để học – làm – chơi theo đúng nghĩa của nó.
Còn bạn? bạn đã làm đến đâu rồi?
Nguồn nội dung tham khảo: Kenh14