Bạn muốn có một tên thương hiệu thật nổi bật trong tâm trí của khách hàng hay đúng hơn là “Top of Mind” ? Để làm được điều đó, hãy tham khảo ngay những nguyên tắc đặt tên thương hiệu “quý giá” dưới đây.
Đặt tên thương hiệu có khó lắm không? Hoàn toàn không khó nếu bạn thực hiện theo các nguyên tắc sau:
1. Bảo hộ về mặt pháp lý
Điều kiện tiên quyết đầu tiên của thương hiệu là phải bảo hộ được về mặt pháp lý để tránh trường hợp bị nhái. Tên hay đến mức nào nhưng không bảo hộ được sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp. Trường hợp bất đắc dĩ thì có thể cân nhắc phương án bảo hộ bằng hình ảnh (logo) thay vì bảo hộ tên.
2. Sử dụng tên miền cho thương hiệu
Một sản phẩm hay công ty nào đó muốn được người dùng biết đến thì cần phải có website riêng. Việc đầu tiên là phải mua tên miền. Nếu lấy domain – tên miền đó trùng với tên thương hiệu càng sớm càng tốt. Trường hợp không đăng ký được thì hãy chuyển qua tên miền khác nhé.
3: Đơn giản, dễ nhớ và dễ đọc
Đừng bắt khách hàng của bạn phải nhớ quá nhiều hoặc khó có thể nhớ nổi. Đó là nguyên tắc về sự “đơn giản” khi đặt tên thương hiệu.
Dù là tên nước ngoài hay tiếng Việt thì hãy cố gắng làm sao đặt theo “viết sao đọc vậy” vừa dễ đọc mà lại dễ nhớ.
Tránh những cái tên khó đọc đại loại như: Bvlgari, TAGHeuer, Givenchy…
Một lời khuyên quan trọng giúp tên thương hiệu dễ nhớ hơn là tên có chứa các nguyên âm o, a, i, e. Hãy nhìn vào tên các thương hiệu lớn trên thế giới như Honda, Yamaha, Coca Cola, Amazon, Mercedes, Audi, Virgin, Motorola, Lenovo… Các nguyên âm sẽ giúp mặt chữ đẹp hơn, tên cân đối, dễ đọc và dễ nhớ hơn không.
4. Tránh những liên tưởng mang nghĩa tiêu cực
Sự thật là đã có không ít các công ty đã đặt tên thương hiệu của mình mang ý nghĩa tiêu cực ngay tại thị trường đó. Hoặc là tên thương hiệu khi đọc thành tiếng khiến người đọc liên tưởng với những thứ tiêu cực, nhạy cảm.
Tiêu biểu năm 1991, hãng xe hơi Mazda đã tung ra dòng sản phẩm có tên gọi Laputa ở Tây Ban Nha. Nhưng “Puta” trong tiếng bản địa có nghĩa là “gái mại dâm”. Hay như mì Sagami tại Việt Nam thật không may khi trùng với tên của thương hiệu bao cao su Sagami tại Nhật.
5. Tên thương hiệu thể hiện ngành nghề, sản phẩm
Thương hiệu cũng cần thể hiện ngành nghề và sản phẩm, nhưng với những thương hiệu nhỏ, mới, chưa được nhận biết rộng rãi, việc thể hiện ngành nghề hoặc sản phẩm trong tên thương hiệu sẽ mang lại hiệu quả tuyệt vời trong việc rút ngắn thời gian và tối ưu chi phí truyền thông.
Bạn khá dễ nhận thấy các yếu tố thể hiện ngành nghề trong tên các thương hiệu giáo dục bằng cách sử dụng tiếp tố “edu” như Eduzone, Hope Education…; hay bất động sản thường gắn với “land” như Capitaland, Nova Land…; đồ dùng cho mẹ và bé như Kids Plaza, shoptretho…; ngành sữa có Vinamilk, TH True milk, Vinasoy…
6. Thể hiện sự khác biệt với đối thủ
Tên thương hiệu là đặc trưng riêng biệt của mỗi sản phẩm nên cần thể hiện sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh nhất là đối thủ trực diện. Tránh đặt tên giống hoặc na ná với tên của đối thủ và những thành tố mà đối thủ đã sử dụng.
7. Nhắm đến phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu
Thử tưởng tượng rằng: nến tên thương hiệu bằng tiếng Anh mà dùng cho khách hàng hoặc phân khúc thị trường cấp thấp tại Việt Nam thì sao? Và ngược lại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đúng không? Tên thương hiệu cần nhắm tới khách hàng mục tiêu chứ không đơn thuần là đại bộ phận công chúng.
Khi đặt tên thương hiệu, cần xác định rõ thị trường mục tiêu (Việt Nam hay nước ngoài), phân khúc (thấp – trung hay cao) và khách hàng mục tiêu là ai?
Với những phân khúc bình dân thì tên thương hiệu nên hướng tới sự đơn giản, dễ nhớ để khách hàng là người lao động, nông thôn hay thành thị đọc được dễ dàng. Ngược lại nếu thương hiệu của bạn định vị sẽ ở phân khúc cao cấp, một số ngành đặc thù như trang sức, thời trang cao cấp… thì tên cả âm cả chữ cần tạo được cảm giác sang trọng và cao cấp.
Mặc dù là nguyên tắc nhưng nếu là những doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập thì tuân thủ theo những tiêu chí này sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí Marketing, Truyền thông rất lớn cho doanh nghiệp đấy.
Tham khảo: Brandsvietnam