Tương tự như các lĩnh vực khác, bán lẻ đang phải đối mặt với những chuyển đổi căn bản để đáp ứng với sự thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng. Sự phát triển của công nghệ đang trao quyền cho các nhà bán lẻ nhanh nhạy trong nắm bắt xu hướng.
Dưới đây là những ứng dụng chính của công nghệ được chú ý trên thị trường bán lẻ và được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế lớn cho các nhà bán lẻ.
1.AI trong quản lý hàng tồn
AI giúp kiểm soát hàng tồn kho. Nó chọn và di chuyển các mặt hàng bằng cách tận dụng các thuật toán được thiết lập trong hệ thống. Giải pháp quản lý hàng tồn kho dựa trên AI được thiết kế tốt có thể tự động hóa quá trình dự trữ và tăng hiệu quả của các phương thức phân phối. Thông qua khai thác dữ liệu, nhà bán lẻ có thể dễ dàng theo dõi các lĩnh vực khách hàng quan tâm và lập kế hoạch cho sản phẩm phù hợp. Từ đó, những phân tích dự đoán có thể được đưa ra hỗ trợ các nhà bán lẻ đưa ra các quyết định chiến lược tốt hơn về giá cả, nguồn cung, v.v.
Ví dụ, Coca-Cola sử dụng trí thông minh nhân tạo để quản lý hàng tồn chứa tủ mát trong các cửa hàng bán lẻ. Công cụ AI đã được đào tạo để nhận dạng, xác định và đếm các sản phẩm Coca Cola khác nhau trong tủ làm mát, kết hợp dữ liệu này với thông tin nhận được từ dự báo nhu cầu và tự động tính toán đơn đặt hàng cần bổ sung. Do đó, nhà bán lẻ có thể đưa ra quyết định điều chỉnh lượng hàng nhập, tối ưu hóa doanh số bán hàng.
2. Cửa hàng pop-up nâng cao trải nghiệm khách hàng
Cửa hàng pop-up là cửa hàng xuất hiện tạm thời ở các địa điểm. Sự linh hoạt này rất quan trọng đối với thương hiệu, đặc biệt trong thời điểm kinh tế bất ổn. Chúng giúp các nhãn hàng điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng sở thích của bộ phận khách hàng địa phương. Tiềm năng thu hút khách và đem lại lợi nhuận của một số vị trí cũng có thể được thử nghiệm dễ dàng để thương hiệu có thể quyết định mở cửa hàng chính thức hay không. Đây cũng có thể là cơ hội để nhãn hàng thử nghiệm phản ứng khách hàng với công nghệ mới, cá nhân hóa trải nghiệm khác hàng và thử nghiệm phản ứng của họ trước khi đưa ra quyết định nhân rộng quy mô áp dụng.
Mặt khác, các cửa hàng bán lẻ thực tế không nên chỉ được coi là một kênh bán hàng, mà còn là một cơ hội để tiếp thị. Với lối suy nghĩ này, các cửa hàng pop-up cung cấp trải nghiệm đặc biệt (dựa trên xúc giác, mùi hương và âm thanh) cũng như áp dụng những công nghệ đắt tiền — sẽ tạo được tiếng vang trên truyền thông và thúc đẩy doanh số bán.
3. Tự động hóa qua việc dùng Robot để vận chuyển đồ trong nhà kho
Việc sử dụng robot trong chuỗi cung ứng và hậu cần cho phép các nhà bán lẻ tiết kiệm được đáng kể chi phí. Kho hàng của các nhà bán lẻ đang nhận được sự đầu tư gia tăng liên tục để tăng khả năng tự động hóa cũng như khả năng kết nối của chuỗi cung ứng. Theo Global Warehouse Automation Market – Dự báo đến 2025 của LogisticIQ, robot tự lái có hướng dẫn (AGV, AMR) và robot lấy hànglà hai ứng dụng có tiềm năng lớn nhất trong nhà máy tự động hóa tương lai.
Không gian là điều tối quan trọng trong lĩnh vực hậu cần, đặc biệt là đối với các công ty có nhà kho nằm ở khu vực thành thị. Việc phân bổ không gian cho hàng hóa mới do nhu cầu thay đổi từng mùa đòi hỏi phải thường xuyên tái cấu trúc kho hàng. Đây là một việc rất tốn thời gian và chi phí. Robot cho phép tự động hóa cũng như sự linh hoạt mà không cần thêm diện tích sàn và làm. Nó cũng cung cấp cho các nhà bán lẻ sự linh hoạt trong việc điều phối nhân sự giữa các phòng ban để thúc đẩy doanh số bán hàng cao hơn. Hơn nữa còn phải kể đến một điểm cộng to lớn là robot hoạt động minh bạch, tăng tốc độ giao hàng và, giảm thiểu sai sót của con người qua khả năng truy xuất hàng theo thời gian thực và kiểm tra tự động.
4. Cửa hàng không cần quầy thu ngân
Đại dịch làm thay đổi rất nhiều thói quen mua sắm của mọi người. Khách hàng trên thế giới có xu hướng chọn các cửa hàng có tùy chọn thanh toán không tiếp xúc hoặc cơ chế tự thanh toán. Mô hình cửa hàng không cần quầy thu ngân – nơi khách hàng có thể cho đồ vào túi cá nhân và chúng sẽ được quét tự động và ghi nợ trong tài khoản ngân hàng, sẽ sớm trở nên phổ biến. Amazon đã đi tiên phong trong việc phát triển các cửa hàng không cần quầy thu ngân với hệ thống Just Walk Out tại các cửa hàng Amazon Go.
Xa hơn nữa, khách hàng còn có thể quét mã vạch, không chỉ để thanh toán cho sản phẩm, mà còn để nhận thông tin như thành phần, quy trình chế biến, xuất xứ, v.v ngay trên điện thoại thông minh. Điều này sẽ vừa làm khách hàng an tâm về nguồn gốc sản phẩm, lại vừa làm đơn giản hóa quá trình xử lý sản phẩm.
5. Mua sắm bằng nhận diện giọng nói
Kể từ khi Siri của Apple xuất hiện trên thị trường, công nghệ trợ lý ảo bằng giọng nói đã bùng nổ. Giờ đây thậm chí nó đã bắt đầu được ứng dụng ở trên nhiều loại thiết bị và ở các ngành công nghiệp khác.
Walmart đã tận dụng công nghệ này với dịch vụ đặt hàng bằng giọng nói của mình. Khách hàng có thể sử dụng bất kỳ thiết bị nào được hỗ trợ bởi Google Assistant hoặc Siri để thêm sản phẩm vào giỏ hàng. Người mua hàng chỉ cần đọc tên các sản phẩm muốn mua, các mặt hàng sau đó sẽ được đóng gói và giao hàng theo phương thức khách hàng mong muốn . Để không thua kém đối thủ, 7-Eleven cũng nhanh chóng ra mắt dịch vụ đặt hàng bằng giọng nói tương tự trong ứng dụng giao hàng 7NOW của mình. Sau khi được thanh toán, hàng hóa có thể được giao cho khách hàng trong vòng chỉ 30 phút.