Có lẽ không nhiều người biết về cái gọi là Văn hóa khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay như thế nào, có những thuận lợi và khó khăn gì để phát triển.
Tạp chí danh tiếng của Mỹ, Forbes vừa đăng một bài viết về những thách thức văn hóa đối với cộng đồng start-up Việt. Theo đó, Khởi nghiệp dường như đang trở thành một trào lưu thời thượng ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù Việt Nam là một nơi mà gần như ai cũng có “máu” kinh doanh, nhiều người vẫn đang phải chật vật đi tìm định nghĩa về khởi nghiệp trong thế kỷ 21.
Các chuẩn mực văn hóa của Việt Nam không phải lúc nào cũng thuận lợi cho khởi nghiệp và việc tiếp cận vốn cũng có thể là vấn đề. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có những người trẻ tràn trề quyết tâm, sẵn sàng thích nghi và làm mọi thứ để thành công, kể cả khi số đông không đứng về phía họ.
Tư tưởng Nho giáo: Rào cản trong văn hóa khởi nghiệp
Everhart cho rằng, một trong những rào cản chính trong văn hóa khởi nghiệp ở Việt Nam là hệ tư tưởng Nho giáo. Tư tưởng chủ đạo của Nho giáo là coi trọng tôn ti trật tự. Dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng này, nhân viên ở các doanh nghiệp Việt Nam thường không dám chất vấn cấp trên, và các start-up chỉ tìm cách sao chép những gì đã được thử nghiệm trước đó.
“Những nhà sáng lập start-up thường không cởi mở và ít chia sẻ ý tưởng của mình. Trong các buổi thảo luận, mọi người thường không dám thách thức quan điểm của nhau. Một vấn đề khác là ông chủ luôn đúng. CEO của start-up thường được vây quanh bởi những người chỉ biết nói vâng, và đó là một vấn đề lớn ở đây”, Everhart nhận định.
Sao chép, ăn cắp bản quyền trí tuệ là chuyện thường tình
Tôn trọng bản quyền trí tuệ cũng là một thách thức khác. Như phần lớn các nước Châu Á, ở Việt Nam việc sao chép những ý tưởng thành công là chuyện thường ngày ở huyện. Everhart cho biết điều này trái ngược với văn hóa sáng tạo ở Thung lũng Silicon.
“Ở California, bắt chước là một điều đáng hổ thẹn”, Everhart nói. Theo Everhart, chìa khóa để khắc phục vấn đề trên là giáo dục. Sắp tới, Hatch! Fair sẽ tổ chức các buổi hội thảo giáo dục về bất lợi của việc sao chép mô hình start-up cho các nhà đầu tư và người khởi nghiệp.
Văn hóa đầu tư giữa nền kinh tế cũ và mới
Một thách thức lớn khác cho các start-up Việt Nam là tiếp cận vốn. Bên cạnh các rào cản về thủ tục hành chính, có một hố sâu ngăn cách về văn hóa đầu tư giữa nền kinh tế cũ và mới. Điều này làm cho các start-up khó tiếp cận được với nhà đầu tư thiên thần trong giai đoạn đầu.
“Không có mạng lưới nhà đầu tư thiên thần cho giai đoạn đầu khởi nghiệp, tức là quy mô vốn dưới 100.000 USD”, Everhart nói. “Ngoài gia đình và bạn bè, start-up không còn nơi nào khác để vay vốn. Ngân hàng thì siết chặt hầu bao, trong khi các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tín dụng không muốn rót tiền cho những thương vụ nhỏ lẻ”.
Dẫu vậy, Everhart vẫn tỏ ra lạc quan. “Tôi tin rằng tiền sẽ theo sau cơ hội. Nếu bạn có một đội ngũ tốt, ý tưởng tuyệt vời và thuyết phục được thị trường, tiền sẽ tìm đến với bạn”, anh nói.
Everhart có suy nghĩ tích cực về nguồn vốn con người ở Việt Nam. “Việt Nam có những bạn trẻ tràn trề quyết tâm. Họ không sợ thay đổi. Họ giống như những hạt giống tốt, nếu được chăm bón kỹ càng, họ sẽ nảy nở vào một ngày nào đó”, anh chia sẻ.
Đó chỉ là những yếu tố chính trong môi trường văn hóa khởi nghiệp ảnh hưởng đến sự phát triển của các Startup Việt. Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận được khi Chính phủ có nhiều chính sách tạo môi trường thông thoáng hơn để phát triển và cơ hội nằm trong các Startup tiềm năng.
Tham khảo: Theo VnReview