Sự phát triển ứng dụng OTT có là nguyên nhân chính của việc tăng giá cước 3G?

Thị trường ứng dụng di động nhắn tin miễn phí trên môi trường internet (wifi, 3G, EDGE…) hay còn gọi là OTT (over the top) đang phát triển không ngừng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các nhà mạng Việt Nam (Telcos) như Vinaphone,Mobilephone… Việc tăng giá gói cước sử dụng Internet không giới hạn được cho là phản ứng nhằm hạn chế thiệt hại gây ra do OTT của các nhà mạng.

Vinaphone, Mobilephone lần lượt tuyên bố tăng gói cước Internet không giới hạn.

Từ ngày 1/4/2013, hai nhà mạng Vinaphone, Mobilephone chính thức áp dụng cước phí mới cho gói cước Internet không giới hạn. Theo đó,  gói MIU (Mobifone) và MAX (Vinaphone) đều tăng thêm 10.000 đồng so với giá 40.000 đồng một tháng trước đây. Sản phẩm dành cho thuê bao học sinh, sinh viên cũng tăng thêm 15.000 đồng, lên 35.000 đồng. Song song với việc tăng giá, các nhà mạng cũng tăng thêm 100MB dung lượng miễn phí ở tốc độ tối đa 7,2Mbps (mức cũ là 500MB), sau khi dùng hết thì băng thông vẫn chuyển về 256Kbps như quy định trước đây. Đợt điều chỉnh này đã đưa giá gói cước Internet không giới hạn của hai thành viên VNPT lên ngang bằng với Viettel (cước duy trì thuê bao 3G 10.000 đồng một tháng và tiền gói dịch vụ là 40.000 đồng).

(Thị trường ứng dụng nhắn tin miễn phí phát triển mạnh mẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhà mạng)

Động thái tăng giá cước này được cho là do sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng di động nhắn tin miễn phí trong đó có nhiều ứng dụng cung cấp chức năng gọi thoại miễn phí như LINE, Viber, Kakao Talk…Giá cước 3G rẻ đang làm lợi cho cái gọi là OTT.  Theo thống kê của các nhà mạng, OTT khiến họ mất khoảng 9-10% doanh thu do không thu được cước phí nhắn tin và gọi điện. Phản ứng lại thông tin này, đại diện của Vinaphone cho rằng đây chỉ là một nguyên nhân cho việc tăng giá cước của họ. Thực vậy, Việt Nam nằm trong số các nước có cước phí 3G rẻ nhất thế giới. Số lượng thuê bao sử dụng 3G của Vinaphone chỉ chiếm 15-20% tổng số thuê bao có trên mạng và doanh thu từ dữ liệu 3G ở mức 5-10% doanh thu toàn mạng. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho mạng 3G lại rất tốn kém, việc tăng giá từ 10000 đến 20000 đồng chỉ nhằm mở rộng hạ tầng và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dùng.

Cước phí 3G Việt Nam rẻ nhất thế giới

Theo số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường di động Flurry Mỹ, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trường Smartphone, tablet chạy Android và iOs trong năm vừa qua, chỉ đứng sau Colombia. Trong khi nhu cầu sử dụng băng thông đang tăng lên rất nhanh, giá cước 3G tại Việt Nam lại đang đứng ở mức thấp nhất thế giới, thấp hơn từ 40% đến 90% so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ở Mỹ, cước phí dữ liệu ở mức 10USD cho 1GB dữ liệu, không có gói cước không giới hạn. Bên cạnh đó, các gói cước giới hạn tối thiểu ở mức 1GB, thuê bao dùng 100MB vẫn phải trả 10USD. Với giá cước này, sự phát triển chóng mặt của OTT cũng không ảnh hưởng đến doanh thu của các Telcos. Ngược lại, ở Việt Nam, mức phí thấp cùng với lượng người dùng smartphone đang không ngừng tăng lên gây thiệt hại đến 1000 tỉ đồng mỗi năm cho nhà mạng. Tăng giá cước 3G theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom “thực chất là quá trình cân đối lại giá cước mà các nhà mạng thế giới đang áp dụng”.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn)