Những sai lầm các startup mobile Việt Nam thường gặp phải

Những điều cần lưu ý cho startup mobile tại Việt Nam, chia sẻ bởi 2 khởi nghiệp di động thành công Appota và mWork tại sự kiện Tech in Asia meetup Hà Nội.

CHƯA TÌM RA THỊ TRƯỜNG PHÙ HỢP 

Trước tiên hãy nhìn vào thị trường viễn thông hiện tại, ai cũng biết đây là mảnh đất cực kì màu mỡ nhưng nó đã được canh gác bởi ba người khổng lồ là Viettel, Mobiphone và Vinaphone. Vì thế, tấn công vào thị trường này gần như thất bại đã nằm chắc trong tay. Đối với thị trường mobile cũng vậy, bước đầu tiên của mỗi start up là phải tìm ra một mảng thị trường vừa có lượng người dùng lớn, vừa chưa có đối thủ cạnh tranh quá mạnh. Tuy nhiên, thị trường mobile có rất nhiều điểm khác biệt. Hãy lấy Appota làm một ví dụ.

Họ đã và đang có một lượng người dùng rất lớn của ứng dụng kho tải (store), tuy nhiên lượng người dùng ấy vẫn là tiềm năng khai thác cho những ứng dụng của start up khác. Nếu như cảm thấy thế mạnh của mình đủ để hấp dẫn người dùng và thị trường đang phát triển mạnh mẽ, trong khi đó đối thủ chưa thể tạo ra một hệ sinh thái ứng dụng đầy đủ để chiếm lĩnh hoàn toàn, hãy mạnh dạn cạnh tranh. Tất nhiên, những báo cáo, nghiên cứu thị trường trong nước và các khu vực có đặc điểm tương tự như Trung Quốc là nguồn tham khảo cực kì giá trị trong giai đoạn này.

MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG BẤT HỢP LÝ 

Câu chuyện tìm mô hình phù hợp tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến không ít start up thất bại. Trước tiên, hãy hiểu điểm mạnh, điểm yếu Founder và đội ngũ nhân sự. Nhìn thấy thị trường kho tải đang hấp dẫn, lợi nhuận cao, tỉ lệ thành công cao nhưng nhân sự chưa thể đáp ứng, bạn không thể đưa ra một quyết định sai lầm là tấn công vào thị trường này. Thay vào đó, hãy chuyển sang Affiliation, Freemium hoặc Sponsored Content.

CHƯA HIỂU RÕ BẢN THÂN VÀ TOÀN BỘ ĐỘI NGŨ

Một Founder trước hết phải tìm được những người có cùng quan điểm hay chí ít là có đủ kĩ năng, nhiệt huyết để chia sẻ quan điểm đó với bạn. Muốn có được niềm tin của toàn bộ đội ngũ, founder trước hết phải xác định rõ mục tiêu, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức. Cũng chính vì thế mà ở các start up thành công, founder hầu hết ở tầm tuổi ngoài 30. Khi đó, họ nhiều khả năng đã có gia đình và có đủ thời gian để hiểu rõ bản thân từ đó tìm được người đồng hành phù hợp.

Có thể nhiều người nói rằng tuổi còn trẻ thì còn nhiệt huyết, hãy cứ thất bại và làm lại từ đầu. Nhưng cái giá cho sự thất bại trong thị trường khắc nghiệt ngày nay chính là thời gian, cùng với đó là vô số cơ hội khác trôi qua. Hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi hiện thực hóa mục tiêu của mình.

KHÔNG THỂ GIỮ CHÂN NGƯỜI TÀI 

Không ít Startup thất bại bởi sự ra đi của các nhân viên tài năng. Nguyên nhân của việc này có thể đến từ sự không phù hợp về văn hóa, không đồng nhất về mục tiêu và sự mất cân bằng trong phân chia lợi nhuận.Thứ nhất,  mỗi công ty nên hình thành cho mình nét văn hóa làm việc ngay từ đầu để bạn có thể lọc ngay ra những người phù hợp với nét văn hóa ấy. Hãy lấy hai start up Appota và Mwork làm ví dụ. Ai làm việc trong mwork cũng cần biết đá PES còn ở Appota, sự hài hước, thoải mái trong công ty đã trở thành thương hiệu.

Thứ hai, nếu bạn đã tuyển về một nhân viên có quá nhiều tham vọng cá nhân, dù tài giỏi đến đâu, anh ta cũng sẽ không thể toàn tâm cống hiến cho công ty. Cuối cùng, một nhân viên làm việc lâu năm cần cảm thấy mình được trân trọng và chiếm một vai trò nào đó lớn hơn. Founder nên chủ động điều chỉnh chính sách chia sẻ lợi nhuận hoặc chia cổ phần để đáp ứng nhu cầu này. Một khi lợi ích đã được đáp ứng, bạn sẽ có được sự trung thành của toàn bộ đội ngũ nhân viên, góp phần đưa startup đến với thành công.

MỌI THỨ CHỈ NẰM TRÊN GIẤY 

Khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm không phải là ngắn, nhưng là tối thiểu để một sản phẩm mobile thành hình. Trong khoảng thời gian đó bạn vẫn cần nguồn tiền để duy trì cuộc sống bản thân và toàn bộ team, vì thế nếu không xác định mục tiêu rõ ràng, tính khả thi của dự án và quan trọng nhất là hiện thực hóa trong thời gian sớm nhất thì thất bại là chắc chắn.

Ngoài ra, ý tưởng trong startup mobile hoàn toàn không có giá trị nếu nó không được thể hiện trong sản phẩm. Kể cả bạn đã có một ý tưởng, một kế hoạch cực tốt nhưng nhiều khả năng bạn vẫn bị  bị vượt mặt bởi một start up khác. Hãy đẩy nhanh tiến độ của startup và biến những chữ viết, bản vẽ trên “giấy” thành sự thật.

KHÔNG TÌM ĐƯỢC NHÀ ĐẦU TƯ 

TIA meetup hà nội

Anh Đỗ Tuấn Anh – CEO Appota và anh Trần Anh Dũng – CEO mWork, chia sẻ về khởi nghiệp di động tại Việt Nam

Công đoạn này xưa nay luôn là ác mộng cho bất kì startup nào, tuy nhiên số lượng nhà đầu tư hiện nay đã tăng lên đáng kể. Khởi nghiệp nên tích cực tham gia các sự kiện networking, liên hệ các trang tin khởi nghiệp công nghệ như TechinAsia hay TechCrunch, điều đó sẽ giúp nhà đầu tư nhanh chóng biết đến startup và nâng cao cơ hội nhận được đầu tư. Hơn nữa, không chỉ có nhà đầu tư, các đàn anh khởi nghiệp đi trước như Appota cũng sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ thậm chí đầu tư series A seeding cho dự án khởi nghiệp di động tiềm năng. Ngoài ra, nếu muốn học cách kêu gọi đầu tư một cách bài bản, bạn cũng có thể tìm đến khóa học của Topica Founder Institute sắp được tổ chức tới đây. Khóa học Founder Institute rất uy tín và họ có sẵn một mạng lưới những nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn cho những học viên tiềm năng.

Theo Game4V