Các ứng dụng OTT đối mặt với tương lai bất ổn

Chi hàng trăm triệu USD, thuê cả ngôi sao bóng đá nổi tiếng cho chiến dịch marketingvà thu hút người dùng, các ứng dụng OTT châu Á như Line, WeChat đã có số lượng người dùng kha khá. Song tương lai của các ứng dụng OTT này tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Ứng dụng WeChat của Trung Quốc và Line của Nhật Bản có thể vẫn còn xa lạ với hầu hết người dùng smartphone Mỹ. Tuy nhiên, những ứng dụng này lại được hàng trăm triệu người dùng di động châu Á và các khu vực khác trên thế giới biết đến, thách thức sự thống trị toàn cầu của ứng dụng “kiểu Mỹ xịn” của WhatsApp, thậm chí cả Facebook và Twitter.
Báo Wall Street Journal (WSJ) danh tiếng của Mỹ đã có bài viết các ứng dụng OTT châu Á đang thách thức Silicon Valley, theo đó WSJ cho rằng sự lớn mạnh của Line và WeChat là điều khá bất thường khi những sản phẩm ứng dụng xã hội này có sức mạnh đe doạ các tập đoàn Mỹ. Dù vậy, tương lai của các ứng dụng OTT vẫn chứa nhiều bất ổn vì thị trường có quá nhiều ứng dụng OTT cạnh tranh, và xu hướng người dùng thường bị hút vào một hoặc hai dịch vụ chủ đạo có nhiều bạn bè, người thân sử dụng.
WeChat, do hãng Internet Trung Quốc Tencent Holdings Ltd phát triển, đã có khoảng 300 triệu người dùng tại Trung Quốc và 100 triệu người dùng trên toàn cầu. Còn Line cho biết có hơn 250 triệu người dùng trên toàn thế giới, khoảng 80% không phải ở Nhật Bản.
Với nhiều người dùng Trung Quốc, WeChat không chỉ là một công cụ nhắn tin. “Tôi không thể tưởng tượng nếu cuộc sống của tôi không có WeChat”, Kevin Hung, một người Đài Loan 31 tuổi làm việc cho hãng điện tử ở Bắc Kinh và vẫn dành 2 giờ mỗi ngày trên WeChat. Trong khi đó Line là do chi nhánh tại Nhật Bản của cổng Internet Hàn Quốc Naver phát triển, đang cung cấp các dịch vụ nhắn tin, gọi điện, chia sẻ ảnh, game và các tính năgn mạng xã hội khác như Facebook. CEO Akira Morikawa của Line nói ứng dụng này đang cố gắng trở thành một cổng giải trí và truyền thông trực tuyến – một vai trò từng được các trang như Yahoo đảm nhiệm, và hiện nay, có cả Facebook.
Line và WeChat đều được tải và dùng miễn phí. Trong 3 tháng đến tháng 6 vừa qua, Line đã có doanh thu khoảng 10 tỷ yên (103 triệu USD) từ việc bán các đồ ảo trong các game miễn phí và các sticker ảo mà người dùng mua và gửi qua tin nhắn.
Nếu xét trên khía cạnh các dịch vụ mạng xã hội, Line và WeChat vẫn còn nhỏ so với Facebook, hãng có 1,15 tỷ người dùng mỗi tháng trong quý II. Hiện nay Facebook cũng cung cấp ứng dụng nhắn tin tức thời riêng. Với WhatsApp, mọi người có thể tải và sử dụng miễn phí trong năm đầu tiên, sau đó công ty sẽ thu phí 99 cent (khoảng gần 20.000 đồng) mỗi năm như một cách để công ty đảm bảo nguồn thu trong khi không đưa quảng cáo vào ứng dụng.
Line và WeChat cũng đã bổ sung thêm một số tính năng giống Twitter như các tài khoản chính thức cho công ty và tổ chức công cộng, cho phép họ phân phối các thông điệp tin tức, khuyến mãi đến người theo đuôi (follower).
Line và WeChat thành công một phần nhờ người dùng chuyển sang sử dụng các ứng dụng này để thay cho việc nhắn tin mất phí. Ngoài ra, sự tăng trưởng của họ còn do số người dùng smartphone lần đầu tại các thị trường mới nổi. Chỉ riêng tại Ấn Độ, nơi mới chỉ 8% trong số 900 triệu người dùng di động có smartphone, thị trường này có tiềm năng rất lớn. Kể từ khi Line bắt đầu quảng cáo trên truyền hình tại Ấn Độ hồi tháng 7, người dùng ở đây đã tăng lên 5 triệu từ mức chưa đến 1 triệu.
Cả Line và WeChat đều mạnh tay quảng cáo. Tencent đã chi đến 200 triệu USD trong năm nay để quảng bá WeChat ra nước ngoài, chủ yếu tại các thị trường mới nổi như Đông Nam Á và Mỹ Latin. Ngoài ra, trong chiến dịch quảng cáo toàn cầu, WeChat đã thuê ngôi sao bóng đá Argentina là Lionel Messi, người đang chơi trong đội FC Barcelona của Tây Ban Nha.
Không chỉ cạnh tranh với các đại gia Mỹ, Line và WeChat còn phải cạnh tranh với các ứng dụngOTT châu Á khác như Kakao Talk của Hàn Quốc.
Tương lai của các ứng dụng này vẫn chưa được đảm bảo. Vì theo WSJ, tương tự như những ngày đầu của mạng xã hội, rủi ro của các ứng dụng này rất cao. Khách hàng thường có xu hướng bị hút vào một hoặc hai ứng dụng có nhiều bạn bè sử dụng. Khi Line và WeChat mở rộng ra thế giới, họ sẽ phải “đối đầu” với WhatsApp. Công ty này của Silicon Valley hiện có 300 triệu người dùng hàng tháng và vẫn là ứng dụng nổi tiếng nhất tại nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, Mỹ là thị trường khó hơn cả. Các gói cước di động tại Mỹ hiện cung cấp tính năng nhắn tin không hạn chế, vì thế những ứng dụng nhắn tin OTT hầu như không cần thiết với phần lớn người dùng.

Theo Wall Street Journal