Anh: Áp dụng hiệu quả giá trần viễn thông

Anh là quốc gia đầu tiên áp dụng PCR và chứng tỏ sự hiệu quả của quy tắc trong việc tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

Đạo luật Viễn thông 1984

Năm 1980, Chính phủ Anh lập ra Văn phòng Viễn thông (Oftel) và cho phép Mercury – nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thứ hai cạnh tranh với nhà cung cấp độc quyền trước đó – British Telecom (BT).

Tuy nhiên, phải tới Luật Viễn thông 1984, thị trường viễn thông Anh mới có sự thay đổi đáng kể, bao gồm cả việc tư nhân hóa BT, chấm dứt chế độ độc quyền theo luật định của BT. Đạo luật biến BT thành công ty TNHH và cho phép Chính phủ bán cổ phần. Trong khi đó, Oftel đảm nhận vai trò điều hành viễn thông và bắt đầu phát triển một phần chuyên biệt trong luật viễn thông, theo đuổi hai mục tiêu chính: thúc đẩy cạnh tranh và phát triển quy tắc giá trần (price cap regulation – PCR).

Để đẩy mạnh mục tiêu đầu tiên, Ofcom quyết định phải có kết nối đầy đủ giữa mạng của BT và Mercury. Ngoài ra, bảng giá phải trả để dùng mạng của BT dựa theo công thức của Oftel thay vì mức phí công khai của BT. Tới những năm 1990, Oftel thay đổi từ khuyến khích cạnh tranh sang luật cạnh tranh. Đạo luật năm 1984 cung cấp khung cho “chính sách lưỡng quyền” của Chính phủ. Theo đó, cạnh tranh dịch vụ mạng cố định sẽ giới hạn trong hai đối thủ trong khoảng thời gian ít nhất 7 năm, đồng thời đặt ra một loạt hạn chế về các hoạt động của hai bên.

Hiệu quả từ quy tắc giá trần

Trước năm 1984, dịch vụ viễn thông Anh vừa nghèo nàn, vừa đắt đỏ và do Chính phủ độc quyền. Cách tiếp cận lưỡng quyền bắt đầu từ 1984 được xây dựng trên quan điểm nhiều người chơi trên thị trường làm giảm cạnh tranh, vì vậy tập trung vào một công ty duy nhất sẽ hiệu quả hơn. Quan điểm này bị chứng minh sai lầm ở phần cuối giai đoạn lưỡng quyền 7 năm (1990) vì Mercury không phải là đối thủ của BT.

Ttrong thị trường độc quyền, quy tắc giá và hành xử thị trường của Chính phủ là yếu tố cần thiết để hạn chế độc quyền giá. Để xác định cơ cấu giá dịch vụ viễn thông trong đạo luật 1984, Anh so sánh mô hình ROR (quy tắc tỉ lệ hoàn vốn đầu tư) của Mỹ với chế tài dựa trên khuyến khích (hay PCR). Dưới sự hướng dẫn của TGĐ Oftel – Bryan Carsberg, Anh đưa PCR vào cơ chế định giá dịch vụ viễn thông. Giá dịch vụ của doanh nghiệp phải được điều chỉnh theo một thời kỳ nhất định nhằm đáp lại thay đổi của yếu tố ngoài doanh nghiệp như công nghệ, nhu cầu tiêu dùng và ưu đãi giá tiêu dùng.

Thực tế, PCR hạn chế tăng giá trung bình năm thấp hơn tỷ lệ lạm phát toàn nền kinh tế một lượng quy định, gọi là “X”. Để minh họa, giả định X là 3%, tỉ lệ lạm phát là 2%/năm trong thời hạn 4 năm trước khi kế hoạch PCR được đánh giá lại. Theo đó, doanh nghiệp được yêu cầu giảm giá dịch vụ trung bình 1% (vì 2% – 3% = -1%). Vì thế, tên ban đầu của PCR là “RPI-X” (RPI: lạm phát giá bán lẻ).

Giá trần được thiếp lập để doanh nghiệp có được tỉ lệ hoàn vốn hợp lý và được đặt ra trong khoảng thời gian dài như 5, 6 hay 7 năm. Nếu trong thời hạn này, doanh nghiệp phát triển các phương pháp hiệu quả hơn để giảm chi phí trong khi vẫn duy trì giá trần, lợi nhuận sẽ tăng. Kết quả cuối cùng của PCR là khuyến khích hiệu quả và cạnh tranh tốt hơn, thu lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp.

Dựa trên đánh giá về hiệu quả của PCR trên thị trường viễn thông Anh, BT đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ hiệu quả tại Anh.

( ICTnews)